Những người phụ nữ quyền lực của làng thời trang
Những người phụ nữ quan trọng nhất của lịch sử và tương lai tạp chí thời trang
Quyền lực, thông minh, sắc sảo, tinh tế, những người phụ nữ này đã tạo nên nhiều dấu mốc lịch sử trong thế giới thời trang đầy màu sắc.
Tạp chí thời trang là nơi chắp cánh cho những ý tưởng và là mảnh đất để sự sáng tạo được thăng hoa. Trong suốt nhiều thập kỷ qua, những ấn phẩm này đã ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc định hình xu thế thời trang cũng như phong cách sống. Để có được thành tựu như ngày hôm nay, không thể không nhắc đến sự cống hiến hết mình của những nữ tổng biên tập.
Cùng ELLE điểm qua chân dung những người phụ nữ đã làm thay đổi lịch sử của tạp chí thời trang, cũng như những “làn gió mới” hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thay đổi tích cực trong tương lai.
DIANA VREELAND
Ảnh: Violet Grey
Được mệnh danh là “bà hoàng” của làng thời trang, Diana Vreeland không chỉ sở hữu tài năng ngôn ngữ thiên phú mà còn có một tư duy nhạy bén và khả năng nắm bắt, thu hút tâm lý độc giả. Vào năm 1936, bà bắt đầu sự nghiệp của mình ở tạp chí Harper’s Bazaar với tư cách là một biên tập viên thời trang. Chuyên mục “Why don’t you?” (Tại sao bạn không?) mà bà quản lý đã đưa Diana trở thành một bậc thầy thời trang hàng đầu trong thời điểm đó.
Đến thập niên 1960, bà gia nhập Vogue và sớm được bầu làm tổng biên tập. Đồng thời, Diana còn là cố vấn thời trang cho đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy và chịu trách nhiệm cho diện mạo của phu nhân tổng thống trong hầu hết mọi sự kiện. Không nghỉ ngơi trên đỉnh vinh quang, năm 1971, sau khi rời Vogue, bà tiếp tục trở thành cố vấn cho Viện trang phục của bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan – trung tâm thời trang của thành phố New York và thế giới.
Là một người yêu sự độc đáo và ưa thách thức những hình mẫu quen thuộc, Diana Vreeland đã can đảm phá vỡ nhiều quy tắc, vực dậy nền thời trang Mỹ và mở ra những cánh cửa mới, tạo tiền đề cho sự bùng nổ của tạp chí thời trang.
HÉLÈNE GORDON-LAZAREFF
Ảnh: Getty Images
Hélène Gordon sinh ra trong một gia đình Do Thái ở Nga nhưng lại lớn lên ở thủ đô thời trang Pháp. Bố bà sở hữu chuỗi nhà máy thuốc lá và là chủ của một tờ báo. Có lẽ vì vậy mà thời trang và ước mơ trở thành chủ tòa soạn phần nào đã thấm nhuần trong tư tưởng của bà. Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng Dân tộc học loại xuất sắc, Hélène có cơ hội được làm việc tại các tạp chí tên tuổi như Harper’s Bazaar, Vogue, New York Times.
Sự nghiệp của Hélène càng được củng cố khi bà gặp gỡ và kết hôn với Pierre Lazareff – chủ bút tờ France-Soir. Hai người đã cùng nhau xây dựng và phát triển ước mơ của riêng mình. Tờ France-Soir của ông Pierre sau đó đã nổi tiếng khắp châu Âu, còn tạp chí ELLE do Hélène sáng lập cũng được ra mắt.
“Đứa con tinh thần” của Hélène Gordon nhanh chóng trở thành một hiện tượng mới trong giới thời trang cũng như một người bạn tâm giao nói thay tiếng lòng của phụ nữ. Với ELLE, phụ nữ luôn có quyền được xinh đẹp, được trân trọng và được tự chủ. Sau hơn 70 phát triển trên toàn cầu, tạp chí ELLE đã trở thành một trong những ấn phẩm về thời trang và lối sống hàng đầu dành cho phụ nữ.
ANNA WINTOUR
Ảnh: Vogue
Có lẽ, giới mộ điệu đã quá quen thuộc với hình ảnh mái tóc bob đi cùng cặp kính râm to bản của người phụ nữ quyền lực nhất làng thời trang thế giới – Anna Wintour. Bà hiện đang là tổng biên tập của Vogue Mỹ – tờ tạp chí danh tiếng được ví như “kinh thánh thời trang”. Có cha là cây bút kỳ cựu của tờ London Evening Standard, Anna đã sớm bộc lộ tình yêu và niềm hứng thú đặc biệt của mình dành cho nền công nghiệp này.
Trước khi lèo lái “con thuyền” Vogue, bà đã trải qua rất nhiều thăng trầm tại những tạp chí lớn như Harper’s & Queen, Harper’s Bazaar, Viva… Anna Wintour là người đã giúp tạp chí Vogue lấy lại phong độ trước nguy cơ mất đi vị trí dẫn đầu và xây dựng nên một “đế chế” góp phần định hướng cho xu thế thời trang hiện đại.
Trong nhiều năm qua, bà nhận được rất nhiều sự hoan nghênh vì đã hết mình hỗ trợ các nhà thiết kế trẻ như Alexander McQueen, Marc Jacobs hay các tài năng vô danh thông qua quỹ CDFA/Vogue. Bên cạnh đó, bà còn là chủ tịch của Met Gala – một trong những sự kiện thời trang thường niên được quan tâm nhất.
CARINE ROITFELD
Ảnh: IMDb
Từ một stylist tài năng, Carine Roitfeld được bổ nhiệm làm tổng biên tập ở tạp chí Vogue danh giá của Pháp. Trong suốt 10 năm cống hiến, bà đã luôn làm mới và thổi hồn vào các sản phẩm sáng tạo của Vogue bằng những ý tưởng đơn giản nhưng lại táo bạo, độc đáo đến không ngờ. Sau khi rời khỏi Vogue, Carine đã cho ra mắt CR Fashion Book – ấn phẩm được hỗ trợ bởi Tập đoàn thời trang truyền thông Stephen Gan. Bà còn bắt tay hợp tác với các nhà mốt Louis Vuitton, Dior, Chanel, Gucci, Tom Ford để thực hiện nhiều chiến dịch quảng cáo.
Ngoài việc giữ chức vụ tổng biên tập tờ CR Fashion Book, bà cũng đảm nhiệm vai trò giám đốc thời trang toàn cầu của Harper’s Bazaar và xuất bản tạp chí dành cho phái mạnh – CR Men’s Book. Vào năm 2016, Carine Roitfeld tăng cường hợp tác với tập đoàn truyền thông Mỹ sau khi kết thúc hợp đồng xuất bản CR Fashion Book với đối tác Stephen Gan. Để chứng tỏ tài năng và tham vọng của mình, mới đây, Carine đã ra mắt dòng nước hoa mang tên bà – Carine Roitfeld Parfums – bộ sưu tập gồm 7 mùi hương dành cho cả nam và nữ.
FRANCA SOZZANI
Ảnh: Vogue
Không xuất hiện nhiều trên mặt báo như tổng biên tập Vogue Mỹ Anna Wintour, nhưng những gì mà Franca Sozzani để lại đã góp phần làm thay đổi bức tranh thời trang Ý cũng như thế giới. Dưới sự lãnh đạo của bà, Vogue Ý không chỉ trở thành một biểu tượng thời trang dành cho phái đẹp mà còn là một lăng kính phản chiếu những vấn đề của xã hội đương thời. 28 năm trên chiếc ghế tổng biên tập, bà Franca đã không ngần ngại thực hiện những chủ đề gây tranh cãi như phẫu thuật thẩm mỹ, cân nặng, tuổi tác, sắc tộc…
Năm 2008, Vogue Ý cho ra mắt “Black Issue” – ấn phẩm đầu tiên lấy cảm hứng chủ đạo từ những người mẫu da màu. Cuốn tạp chí đã tạo nên một làn sóng mới trong cộng đồng thời trang và được tái bản 3 lần. Sau đó, Franca Sozzani tiếp tục khai thác một chủ đề nhạy cảm về vóc dáng phụ nữ khi bà cảm thấy nền thời trang đang dần đi vào lối mòn và thiếu đi sự đa dạng. Tờ tạp chí đã phá bỏ đi định kiến “phụ nữ đẹp phải gầy” khi đưa hình ảnh của Tara Lynn, Candice Huffine, Robyn Lawley – những người mẫu “đầy đặn” lên trang bìa của Vogue.
ANGELICA CHEUNG
Ảnh: Business Of Fashion
Không chỉ là tổng biên tập quyền lực của tờ Vogue Trung Quốc, Angelica Cheung còn đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của thời trang nước này. Xuất bản vào tháng 9/2005, ấn phẩm đầu tiên của bà tại Vogue đã nhanh chóng “cháy hàng” với 300 nghìn bản và phải tái bản thêm 2 lần. Năm 2015, bà cho ra mắt Vogue Me – tạp chí dành cho thế hệ trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 35. Một năm sau đó, Vogue Film xuất hiện với nhiệm vụ sản xuất những bộ phim ngắn về thời trang. Bà cũng cho ra đời Vogue Now – tạp chí trực tuyến với nền tảng mạng xã hội.
Trong suốt 15 năm nỗ lực phát triển, Angelica đã chứng minh khả năng dẫn dắt tài tình của mình khi giúp tạp chí Vogue Trung Quốc phát hành 2 triệu bản in và đón nhận hơn 42 triệu độc giả trực tuyến, đã đưa phiên bản quê nhà sánh ngang với các phiên bản quốc tế, đồng thời phát hiện, đỡ đầu cho các tài năng thiết kế, người mẫu trẻ bước ra thế giới. Trước khi làm việc ở Vogue, Angelica Cheung từng là tổng biên tập tại tạp chí Marie Claire Hồng Kông vào năm 2001 và đảm nhận vị trí tương đương ở ELLE Trung Quốc vào năm 2003.
SAMIRA NASR
Ảnh: Harper’s Bazaar
Lịch sử ngành thời trang ở Mỹ và thế giới vừa đánh dấu một sự chuyển mình đáng kể khi Samira Nasr trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên đảm nhiệm chức vụ tổng biên tập cho tạp chí danh giá Harper’s Bazaar. Sự kiện này đã làm khuấy động giới truyền thông bởi phong trào chống phân biệt chủng tộc “Black Lives Movement” đang diễn ra sôi nổi hơn bao giờ hết. Samira thay thế cho vị trí của Glenda Bailey – người đã dẫn dắt tờ Harper’s Bazaar trong hơn 20 năm. Ở cương vị mới, cô sẽ chịu trách nhiệm giám sát chiến lược và phát triển nội dung trên nền tảng bản in và trực tuyến của ấn phẩm.
Là người có sức ảnh hưởng lớn trong thế giới thời trang, Samira từng giữ chức vụ cao ở các tạp chí lớn như Vanity Fair, ELLE và InStyle. Trước đó, cô cũng là một thực tập sinh ở Vogue và sau đó trở thành trợ lý giám đốc sáng tạo của Vogue Mỹ – bà Grace Coddington. Ngoài công việc ở tạp chí, Samira Nasr còn hợp tác và thực hiện nhiều chiến dịch quảng bá với các thương hiệu nổi tiếng như Tiffany & Co., Tory Burch, Laura Mercier, Esteé Lauder, L’Oreál, Clarins…
Hoàng Hân (tổng hợp)