Âm vang dòng thời đại trong ca khúc dệt may
Nghe Nghệ sĩ nhân dân, nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam dạo nhẹ phím dương cầm và ngẫu hứng hát lên lời ca “Chào bình minh quê hương dấu yêu, mang tâm tình người thợ, hòa tiếng máy reo, hào hùng vang xa, cùng Dệt nên tình yêu đất nước, mãi mãi bay xa! Vinh quang kết nối năm châu, Dệt nên bài ca đất Việt như vì sao sáng, vững bước sáng nên niềm tin” trong ca khúc“Khúc ca Dệt May Việt Nam” (tác phẩm tham dự cuộc thi sáng tác ca khúc “Giai điệu tự hào dệt may Việt Nam” do Công đoàn Dệt May Việt Nam phát động), chúng tôi cứ thế hòa vào dòng âm thanh bay bổng, những khát vọng yêu cuộc sống, tự hào về ngành dệt may. Dường như dư âm của cuộc thi vẫn đọng lại trong người nhạc trưởng, nhạc sĩ tài ba, luôn đau đáu với nghệ thuật âm nhạc nước nhà…
* Thưa ông, là Trưởng Ban giám khảo cuộc thi sáng tác ca khúc “Giai điệu tự hào Dệt May Việt Nam”, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa cuộc thi?
Âm nhạc vốn là món ăn tinh thần vô giá, gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, cùng người lao động. Cuộc thi sáng tác các ca khúc của ngành Dệt May Việt Nam là một trong những hoạt động rất có ý nghĩa được sự quan tâm, hưởng ứng của rất nhiều văn nghệ sĩ trên mọi miền đất nước và nghệ sĩ thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội. Khoảng thời gian phát động cuộc thi đến khi chấm giải tuy không dài, nhưng tất cả các nhạc sĩ, nghệ sĩ đã bám sát vào đề tài lịch sử ngành dệt may, truyền thống con người dệt may, vai trò công đoàn đối với ngành dệt may để chuyển tải vào âm nhạc.
Công đoàn Dệt May Việt Nam cũng tạo điều kiện thuận lợi cho những nhạc sĩ được tiếp cận, hiểu hơn thực tế về công việc của người công nhân dệt may ngày nay ở các lĩnh vực như sợi, dệt, nhuộm, may. Nhờ vậy, các nhạc sĩ hiểu hơn về quá trình phát triển của ngành dệt may. Trước đây người lao động chủ yếu làm thủ công nhưng giờ đây đã toát lên hình ảnh một ngành công nghiệp năng động, đổi mới với hệ thống nhà xưởng hiện đại, máy móc tự động hóa, nhà máy khang trang, văn minh, thân thiện… Tất cả những điều này đã được các nhạc sĩ cảm nhận theo cách riêng và chuyển tải vào các tác phẩm âm nhạc mang hơi thở cuộc sống, có hình ảnh người cán bộ công đoàn quan tâm đến tâm tư, tình cảm người lao động và toát lên khát vọng của người làm dệt may mong muốn Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Đây cũng là dịp để các văn nghệ sĩ nhìn lại lịch sử ngành Dệt May Việt Nam.
*Cảm nhận chung là các tác phẩm đã đến gần hơn với người nghe, mang hơi thở của cuộc sống, của nét đẹp dệt may, thưa Nhạc sĩ?
Đúng vậy. Nhiều tác phẩm đã hướng đến biểu diễn, lời ca, chất nhạc nghiêng về tính chất đương đại nhưng vẫn sự kế thừa những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống của ngành dệt may… Dịp này, âm nhạc và dệt may có cơ hội tìm thấy sự đồng điệu, đánh thức sự sáng tạo của các nhạc sĩ khi chắt chiu tâm hồn Việt Nam vào nét đẹp của gấm vóc non sông. Sản phẩm âm nhạc không chỉ động viên mà còn phản ánh nhu cầu tự nhiên của con người trong xã hội. Cuộc thi giống với “được lời như cởi tấm lòng”, hai bên tìm thấy nhau tạo ra những tác phẩm âm nhạc vừa là động lực, vừa là nhu cầu và sự sáng tạo, thăng hoa.
Là Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi, tôi rất ấn tượng và tâm đắc với sân chơi ngành nghề mang tính nghệ thuật này. Âm nhạc đã len lỏi vào đời sống của mỗi người, mọi lĩnh vực, dệt may cũng vậy, âm nhạc cũng góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Khi nghe giai điệu, ca từ tràn đầy sức sống vang lên, chúng ta sẽ cảm nhận được khí thế vươn lên của ngành, của con người ở đó. Lời ca tiếng hát trong những tác phẩm tham dự lần này cũng bám sát sự tăng trưởng của ngành dệt may. Âm nhạc trào dâng cảm xúc, có cao trào. Có những bài hát tác giả khai thác nét nhạc, như bức tranh sinh động, có những tác phẩm tham dự là tác phẩm lớn, dài hơi, mang âm hưởng trường ca. Giá trị của ngành đã không dừng lại ở bài ca mà còn tạo cảm xúc cho nhạc sĩ viết trường ca để chuyển tải được hết bề dày truyền thống của ngành và khát vọng dân tộc bay lên.
*Trong dòng chảy âm nhạc, hình ảnh sản phẩm dệt may trong những ca khúc sẽ vang lên trong đời sống văn hoá tinh thần của người lao động, cổ vũ người lao động thêm yêu công việc của mình, ông có thể nói thêm về giá trị này?
Trong ca dao Việt Nam có câu “Hơn nhau tấm áo manh quần”. Sản phẩm dệt may là nhu cầu cuộc sống. Từ những giai đoạn đất nước còn khó khăn đến ngày hôm nay, khi đất nước ở thời điểm nông nghiệp chuyển đổi dần sang công nghiệp hóa thì hình ảnh ngành dệt may vẫn luôn có trong âm nhạc, như hình ảnh dệt lụa, tấm áo mẹ vá năm xưa, tình đồng chí với áo anh rách vai quần tôi có vài mảnh vá, và hình ảnh “tà áo quê hương” vươn ra thế giới… Xét ở góc độ văn hóa, các nhạc sĩ lựa chọn những lời ca tiếng hát phản ánh khát vọng vươn xa của dệt may Việt Nam.
Âm nhạc cũng đồng điệu với thời trang, bởi âm nhạc không thể đứng ngoài thị hiếu hiện đại và dệt may thời trang cũng đang có những bứt phá vượt trội để vươn ra toàn cầu. Trong âm nhạc, người nhạc sĩ, nghệ sĩ phải không ngừng sáng tạo, làm giàu thêm các ca khúc, giai điệu; nhà thiết kế trong ngành dệt may cũng vậy, luôn không ngừng sáng tạo để cho ra đời những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Giá trị sâu sắc ở cuộc thi lần này đó là hình ảnh lao động dệt may đẹp nên thơ và giàu sức biểu cảm. Người lao động là chủ thể trong mỗi giai điệu, lời ca. Hơn 100 tác phẩm dự thi, tác phẩm nào cũng có hình ảnh người lao động dệt may khéo léo, chăm chỉ, thoăn thoắt đêm ngày dệt may nên gấm vóc non sông. Đặc biệt, nét đẹp ấy không dừng lại ở một vùng miền nào mà trải đều với nhiều cung bậc, địa danh khác nhau. Chính sự phong phú đó tạo nên sự hấp dẫn của nghệ thuật và phản ánh đúng với quy mô trải dài khắp đất nước, có mặt ở mọi vùng miền của ngành dệt may Việt Nam. Với tôi, cuộc thi lần này rất thành công bởi âm nhạc đã thể hiện được giá trị văn hóa, phản ánh cả chiều dài và chiều sâu của lịch sử ngành nghề cũng như khí thế vươn lên của những con người làm dệt may. Ca từ nhộn nhịp, khẩn trương mang hơi thở, nhịp điệu cuộc sống, phản ánh sự đổi mới mạnh mẽ của dệt may, chứa đựng khát vọng vươn xa.
Âm nhạc đứng ngoài, tĩnh lặng, quan sát để nhìn thấy giá trị ngành dệt may. Thông qua những tác phẩm được lan tỏa, người lao động sẽ cảm nhận rõ nét hình ảnh của mình ở trong đó, thấy giá trị của lao động được tôn vinh, từ đó có thêm động lực, cảm xúc để cống hiến cho nghề, cho đời. Âm nhạc chứa đựng giá trị vô hình, lâu bền, góp phần khơi dậy lòng tự hào, khát vọng vươn lên của người lao động.
Bà Phạm Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam có nhận định “Cuộc thi sáng tác ca khúc “Giai điệu tự hào Dệt May Việt Nam” là hành trình đưa dệt may đến với nghệ thuật, đưa nghệ thuật đến với dệt may, thấm sâu vào bông, vào xơ, để dệt nên những thanh âm lấp lánh của cuộc sống, lao động, sản xuất, thành những áo khăn, thành lụa mát lành”, ông cảm nhận thế nào về điều này?
Tôi thấy nhận định này của Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam rất đúng bởi cuộc thi là sự khởi đầu, đưa dệt may đến gần hơn với nghệ thuật và nghệ thuật cũng hòa vào dòng chảy của một lĩnh vực không chỉ chất chứa giá trị truyền thống mà còn đang trỗi dậy mạnh mẽ theo xu thế của thời đại. Tôi cảm nhận cuộc thi như được trăn trở rất lâu, có sự dồn nén để nuôi dưỡng ý tưởng thành hiện thực. Dù ý tưởng này không phải mang tính đột phá, cuộc thi sáng tác ca khúc dệt may không phải là lần đầu tiên tổ chức nhưng chúng tôi rất trân trọng tình cảm sâu sắc với dệt may, với nghệ thuật của những người “thai nghén” cuộc thi.
Cuộc thi cần được tiếp nối và phát triển trong chặng đường xây dựng ngành dệt may hội nhập quốc tế. Có thể trong chu kỳ từ 3 đến 5 năm, Ban tổ chức tiếp tục phát động cuộc vận động sáng tác ca khúc, làm dày thêm các sản phẩm nghệ thuật riêng có của dệt may. Ngành dệt may không ngừng phát triển, âm nhạc không ngừng sáng tạo, khi mọi thứ đi qua, giá trị văn hóa nghệ thuật sẽ ở lại, đọng lại trong tâm tưởng mỗi con người. Sản phẩm để lại là những công trình văn hóa. Âm nhạc có lợi thế là sự lan tỏa, truyền cảm hứng, không biên giới, có thể đồng hành cùng dệt may tô đẹp thêm cho cuộc sống, lưu giữ dòng thời đại của ngành nghề trong lời ca, ý nhạc…
Ngành dệt may nên tuyên truyền, truyền thông dưới mọi hình thức, từ nội bộ đến các kênh khác trên phương tiện truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội để lan tỏa những thành tựu nghệ thuật này tới đông đảo người lao động, tới xã hội. Để những giá trị tươi đẹp, khát vọng hào hùng về dệt may không chỉ thấm đẫm trong mỗi người lao động dệt may mà với tất cả những ai yêu âm nhạc, yêu thời trang…
*Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thực hiện: Nguyễn Vũ – Việt Bách