Bước đi thận trọng khi thực hiện xanh hóa và tuần hoàn của Vinatex
Vinatex đã xác định mục tiêu chiến lược “Trở thành một điểm đến cung cấp giải pháp trọn gói về dệt may thời trang xanh cho khách hàng doanh nghiệp”. Xoay quanh câu chuyện xanh hóa dệt may với xu hướng sử dụng nguyên liệu tuần hoàn, Dệt May & Thời trang Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Vinatex về nội dung này.
Phát triển xanh hóa tương ứng với tốc độ tiêu thụ của thị trường
Xin ông cho biết xu thế dệt may tuần hoàn từ nguyên liệu hữu cơ tự nhiên của Việt Nam hiện nay?
Việc sản xuất dệt may theo hình thức tuần hoàn là xu thế của thế giới, mới được khởi động trong một vài năm gần đây. Các hãng thời trang trên thế giới đều đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện các lộ trình tiến tới xanh hóa, sản xuất các sản phẩm tuần hoàn. Quá trình này được diễn ra ở phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, qua 2 năm đại dịch Covid-19 tốc độ triển khai chương trình xanh hóa và tuần hoàn của ngành dệt may có chậm lại. Lý do rất căn bản là chi phí sản xuất ra sản phẩm dệt may tuần hoàn cao hơn rất nhiều so với chi phí sản xuất hàng dệt may thông thường, khả năng sản phẩm sẽ đắt lên 50% từ các nguyên liệu tuần hoàn trong khi nhu cầu chung của thị trường sản phẩm dệt may đang rất thấp, có thể nói là ở đáy của 1 thập kỷ trở lại đây.
Chính vì thế, đến năm 2023, nhìn chung trên toàn thế giới tỷ lệ các sản phẩm dệt may mang tính chất tuần hoàn còn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu các hãng thời trang đặt ra. Đơn cử như Adidas, Nike cũng đặt ra đến năm 2030 có khoảng 50% sản phẩm như đồ thể thao có nguyên liệu từ nguồn gốc mang tính chất hữu cơ hoặc có thể tái chế được. Tuy nhiên đến thời điểm này, không phải hãng nào cũng đạt được tỷ lệ mà mục tiêu tuần hoàn đề ra.
Đối với trong nước, ngành Dệt May Việt Nam chủ yếu sản xuất cho các hãng thời trang lớn trên thế giới để xuất khẩu. Việt Nam đã có bước tiến lớn, hiện nay không chỉ may sản phẩm mà còn sản xuất được nguyên liệu như vải, sợi và đã xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm này chiếm tỷ trọng ~20% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may. Đối với nguyên liệu cho sản phẩm tuần hoàn trong nước, chúng ta có sản phẩm sợi, với đầu vào là nguồn xơ có thể tuần hoàn được do các hãng xơ trên thế giới sản xuất ra, chúng ta nhập khẩu về, thực hiện khâu kéo sợi từ nguồn gốc nguyên liệu xơ tuần hoàn.
Thứ hai là chúng ta có thể sử dụng nguồn bông cotton organic từ các quốc gia trồng bông lớn chủ yếu là Úc, Mỹ để sản xuất ra mặt hàng sợi xanh. Ngành sợi của Vinatex đang sản xuất khoảng 20% các loại sợi tuần hoàn và tái chế được; còn đối với ngành vải, chủ yếu chúng ta nhập khẩu với tỷ lệ khá cao, khoảng 53-54% lượng vải cho may xuất khẩu. Vì thế, tỷ lệ tuần hoàn của ngành vải do Việt Nam sản xuất còn rất thấp. Chỉ có một phần sợi tuần hoàn chuyển sang dệt kim, để dệt kim một số mặt hàng cho các hãng sản xuất mặt hàng thể thao. Đối với ngành vải tuần hoàn thì nguyên tắc phải đi từ sợi tuần hoàn. Có sợi tuần hoàn thì vải mới tuần hoàn được. Chính vì vậy, hiện nay trên thế giới tỷ lệ tuần hoàn đối với sản phẩm dệt may vẫn còn thấp, ở Việt Nam cũng vậy.
Vậy đâu là giải pháp để Vinatex thực hiện xanh hóa và xuất khẩu mặt hàng xanh hóa, tuần hoàn mạnh mẽ hơn, thưa ông?
Trước hết, việc sản xuất gì ở Việt Nam cũng phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Chúng ta không thể khăng khăng sản xuất sản phẩm tuần hoàn, khăng khăng làm thời trang xanh nếu thị trường thế giới chưa rõ nhu cầu. Chúng ta phát triển sản phẩm mới phải tương ứng với tốc độ mở rộng của thị trường và mức độ tiêu thụ trên thị trường. Đi sớm hơn có thể gây thiệt hại về tài chính rất nặng nề, nếu đi muộn hơn thì mất thị trường, mất khách hàng, mất thị phần trên thế giới.
Vấn đề quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp dệt may Vinatex ở thời điểm này là phối hợp chặt chẽ với các nhà đặt hàng của mình để sẵn sàng về công nghệ, thiết bị, từ đó có thể sản xuất được mặt hàng có tính chất tuần hoàn với giá thành cạnh tranh. Có thể khẳng định, hiện nay ngành sợi của Vinatex đủ mọi điều kiện để sản xuất tất cả các loại sợi tuần hoàn, chỉ cần đầu vào nguyên liệu bông xơ là tuần hoàn, chúng ta sẽ làm ra sợi tuần hoàn.
Đối với ngành sản xuất vải cũng vậy, nếu có sợi tuần hoàn, Vinatex sẽ dệt ra vải tuần hoàn. Chúng ta sẽ sử dụng thêm các loại màu nhuộm mang tính chất organic để sản phẩm hoàn toàn là xanh. Vải sẽ không sử dụng các hóa chất nhuộm vô cơ như trước. Về công nghệ thực hiện việc này, Vinatex hoàn toàn chủ động được. Nhưng bước tiến xanh hóa dệt may phải tương thích với thị trường. Nếu trong quá trình thực hiện mà chệch nhịp với thị trường thì doanh nghiệp rất dễ lâm vào khó khăn về tài chính, khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Thực tế có doanh nghiệp đi trước, lựa chọn sản xuất mặt hàng vải từ cây gai, song do nhu cầu tiêu thụ thấp, thị trường nhỏ nên gặp không ít khó khăn về sản xuất kinh doanh.
Cần bàn tay can thiệp của Nhà nước về chính sách
Ông nhìn nhận thế nào về triển vọng vùng nguyên liệu tuần hoàn của Việt Nam?
Việt Nam không phải là quốc gia phù hợp phát triển ngành bông, bởi thổ nhưỡng và diện tích đất trồng không phù hợp với trồng bông. Trước đây trong điều kiện kinh tế bị cấm vận, khi thị trường đóng cửa, bắt buộc phải trồng bông, chúng ta đã trồng bông để tự chủ một phần nguyên liệu nhưng chất lượng không tốt và sản lượng không cao. Bông là mặt hàng không có lợi thế cạnh tranh trong ngành nông nghiệp ở Việt Nam.
Đối với ngành thời trang thế giới, sản phẩm từ bông chiếm tỷ lệ quan trọng, với Việt Nam hiện nay 70% sản lượng sợi sản xuất từ bông tự nhiên. Vì thế, vùng nguyên liệu của Việt Nam trong ngành bông không nằm trong chiến lược của ngành Dệt May Việt Nam, chúng ta vẫn nhập khẩu bông. Trong định hướng tuần hoàn, chúng ta nhập khẩu bông sạch, bông organic. Hiện nay, các nước trên thế giới có tỷ trọng trồng bông lớn như Úc, Mỹ. Những khu vực trồng bông này được định vị và có khả năng truy xuất nguồn gốc từ giống đến phương thức gieo trồng, địa bàn sản xuất. Đó là đầu vào để chúng ta sản xuất đảm bảo sản phẩm xanh.
Chúng ta chỉ có thế mạnh đối với một số mặt hàng đặc biệt, ví dụ như khu vực trồng cây gai, cây lanh, cây đay… Nhưng đây lại là vùng nguyên liệu để phục vụ một mảng thời trang rất nhỏ do nhu cầu thị trường thấp, chỉ phù hợp với sản xuất hàng thời trang cao cấp ở một số nơi. Chính vì thế, phải cân đối vùng nguyên liệu để chủ động phát triển. Việc này cũng phải xuất phát từ nhu cầu của thị trường và đặt trong một chuỗi cung ứng sản xuất trên toàn thế giới. Khách hàng muốn có sản phẩm gai, đay hay lanh từ Việt Nam có nguồn gốc sạch thì chúng ta mới có khả năng phát triển được. Phát triển vùng nguyên liệu không bám sát với thị trường và nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ gây ra những bất ổn về tiêu thụ và cũng có thể lại rơi vào tình trạng được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa. Đây là vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý.
Xuất khẩu dệt may đang chịu ảnh hưởng lớn khi tổng cầu giảm, việc chuẩn bị cho thời trang tuần hoàn của Vinatex trong thời điểm này như thế nào, thưa ông?
Rất nhiều chuyên gia cho rằng năm 2023, 2024 tổng cầu dệt may chưa có dấu hiệu cải thiện, thậm chí năm 2023 tổng cầu còn thấp hơn thời điểm dịch bệnh Covid-19, với mức suy giảm 8% so với năm 2022. Vì vậy thiếu hụt đơn hàng là bài toán của ngành dệt may toàn cầu không phải của riêng Việt Nam.
Thứ hai, hiện nay ở Việt Nam còn không có nhiều lợi thế về đồng tiền VNĐ. Các nước xuất khẩu khác như Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ đã phá giá đồng tiền của họ đến 20% so với USD để kích thích xuất khẩu. Nên họ có lợi thế tương đối về giá xuất khẩu. Ngay cả Trung Quốc là quốc gia sản xuất rất lớn về dệt may, lớn nhất thế giới cũng đang duy trì đồng nhân dân tệ thấp hơn 10% so với trước dịch. Đó là những động lực hỗ trợ vĩ mô của các quốc gia này giúp cho các quốc gia giữ được mức độ suy giảm về xuất khẩu dệt may ít hơn Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt Nam đang trong trạng thái ít đơn hàng do tổng cầu thế giới giảm và lợi thế cạnh tranh riêng của Việt Nam bị hạn chế. Vì thế doanh nghiệp đang xoay xở để có đơn hàng, giữ được người lao động, giữ được thị phần và khách hàng của mình.
Câu chuyện chuẩn bị cho thời trang tuần hoàn có hai vế. Thứ nhất là chuẩn bị kỹ thuật, công nghệ, đào tạo con người, đào tạo nghề, đào tạo nhận thức. Chúng ta có thể làm được. Vế thứ hai về tổ chức sản xuất thử nghiệm, thì vào thời điểm này rất bất cập. Bởi sản xuất thử nghiệm đòi hỏi chi phí rất lớn, do bản chất thuộc về nhóm chi phí nghiên cứu phát triển. Với kết quả sản xuất kinh doanh quý I/2023 doanh nghiệp dệt may niêm yết phần lớn giảm 70-80%, thậm chí có những đơn vị giảm hơn 90% rõ ràng họ thiếu nguồn lực để nghiên cứu, phát triển. Họ có thể đào tạo, thay đổi nhận thức, nâng cao trình độ, tiết kiệm năng lượng bằng những nỗ lực bên trong. Còn để bắt tay triển khai, chuẩn bị cho xanh hóa, nghiên cứu sản phẩm tuần hoàn thì doanh nghiệp chưa sẵn sàng nguồn lực để thực hiện.
Trong bối cảnh Việt Nam có hơn 13.000 doanh nghiệp dệt may, trong đó hơn 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ với tiềm lực tài chính không lớn. Họ không có điều kiện thực hiện các nghiên cứu xanh, chuyển đổi xanh. Chính vì thế, việc xác định thực hiện xanh hóa, nghiên cứu sản xuất sản phẩm tuần hoàn là chiến lược lâu dài. Muốn duy trì bền vững ngành Dệt May Việt Nam cũng cần có bàn tay can thiệp của Nhà nước, thông qua chính sách. Có thể là chính sách tài khóa như thuế hay cơ chế giúp doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu phát triển, bởi việc đầu tư cho lĩnh vực xanh rất tốn kém. Ngay cả các doanh nghiệp lớn trên thế giới nếu thực hiện chiến lược này mà không cẩn trọng thì cũng rất dễ lâm vào tình trạng khủng hoảng tài chính vì đầu tư sớm quá, trượt đi so với cầu của thị trường.
Trân trọng cảm ơn ông!
PV (thực hiện)