Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 80 tỷ USD vào năm 2024 – 2025
Hiệp hội Dệt May Ấn Độ cho biết, Chính phủ nước này đã quyết định gia hạn Chương trình hoàn thuế và lệ phí của bang và Trung ương (gọi tắt là RoSCTL) đối với hàng dệt may cho đến ngày 31 tháng 3 năm 2024.
Dự kiến, các chương trình hỗ trợ của Chính phủ Ấn Độ sẽ tạo thêm từ 4-6 triệu việc làm mới. Ngành Dệt may của Ấn Độ hiện tạo ra việc làm trực tiếp cho khoảng 45 triệu lao động và là ngành sử dụng lao động lớn thứ 2 tại Ấn Độ.
Ảnh minh họa
Liên minh Nội các Ấn Độ thông báo sẽ tiếp tục thực hiện Chương trình hoàn thuế và lệ phí của bang và Trung ương cho hàng dệt may (bao gồm cả khăn trải giường, thảm, v.v.) với mức hỗ trợ giữ nguyên như thông báo của Bộ Dệt May vào tháng 3 năm 2019. Theo Chính phủ Ấn Độ, việc giảm các loại thuế, phí, khoản thu không được hoàn lại sẽ giúp cho các sản phẩm dệt may của nước này có sức cạnh tranh hơn trên toàn cầu và tạo một sân chơi bình đẳng cho các nhà xuất khẩu hàng dệt may của Ấn Độ.
Trao đổi với Financial Express Online, ông RK Vij – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Ấn Độ cho biết: “Trong khoảng ba, bốn năm gần đây, xuất khẩu hàng dệt may của Ấn Độ chỉ dừng lại ở mức khoảng 38-40 tỷ USD. Chính phủ Ấn Độ hiện đang đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may sẽ đạt 80 tỷ USD vào năm 2024 – 2025 và mặt hàng này có sức cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của ngành dệt may Ấn Độ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi nâng cao được khả năng cạnh tranh trước các đối thủ như Bangladesh, Việt Nam, Myanmar …Nếu tất cả các kế hoạch hỗ trợ này được thực hiện, sẽ tạo ra thêm 4-6 triệu việc làm nữa cho ngành Dệt May Ấn Độ”.
Trong một tuyên bố mới phát hành, Bộ Dệt May Ấn Độ đã lưu ý rằng có nhiều loại thuế khác nhau từ chính quyền Trung ương, tiểu bang và địa phương áp dụng nhưng không được hoàn lại cho các nhà xuất khẩu. Các loại thuế và khoản thu như vậy được tính vào giá của sản phẩm xuất khẩu sẽ làm tăng giá hàng may mặc, trang phục và gây khó khăn cho việc cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Các loại thuế này bao gồm: thuế đối với nhiên liệu được sử dụng để vận chuyển hàng hóa, sản xuất điện và cho lĩnh vực nông nghiệp, thuế mandi, trách nhiệm về tiền điện ở tất cả các cấp của dây chuyền sản xuất, thuế tem, thuế GST trả cho đầu vào như thuốc trừ sâu, phân bón, mua từ các đại lý chưa đăng ký, v.v., và đóng thuế đối với than hoặc bất kỳ sản phẩm nào khác.
Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Hàng May mặc A Sakthivel cho biết, chương trình này sẽ giúp “Chuỗi giá trị dệt may Ấn Độ đạt được kim ngạch xuất khẩu 100 tỷ USD trong ba năm tới”.
Sau khi ngừng hoạt động vào năm ngoái, sản xuất dệt may của Ấn Độ đã chứng kiến sự suy giảm trước khi bắt đầu phục hồi trở lại vào tháng 9 nhờ sự gia tăng của giá sợi. Ngành Dệt may Ấn Độ đã phục hồi khoảng 80% công suất sản xuất so với tháng 12 năm ngoái.
Nguồn: //www.financialexpress.com/