Chịu khó, chịu học, chịu thay đổi
Đến với Bệnh viện Dệt May bây giờ, không ai tưởng tượng hai chục năm trước, đây chỉ là một khu nhà lụp xụp, ao hồ bao quanh, sân ngập nước lõng bõng… Qua hai thập kỷ, có một người bác sĩ kiên tâm gánh ba chữ CHỊU, đó là chịu khó, chịu học, chịu thay đổi, để một Bệnh viện ngành được sinh ra, lớn lên và phát triển.
Khó khăn không tưởng
Khi tiếp nhận Cơ sở Y tế từ Công ty Dệt 8/3 tại phố Minh Khai, bác sĩ Nguyễn Đình Dũng đứng trước thách thức lớn nhất đời mình: Ông phải xây dựng một bệnh viện từ ba số KHÔNG tròn trĩnh: Không cơ sở vật chất, Không một đồng tiền, Không nhân sự đủ chất lượng.
“Bác sĩ Dũng mời tôi về làm việc tại bệnh viện, chỉ với một lời đơn giản rằng, hãy về giúp anh xây dựng bệnh viện từ đầu, rất khó khăn em ạ. Tôi hứa với anh là tôi sẽ thay đổi công việc và chấp nhận khó khăn, nhưng chính tôi cũng không ngờ nó lại khó khăn đến thế. Tôi đang làm việc tại một cơ quan với trang thiết bị hiện đại, có máy tính riêng, có máy lạnh. Bởi vậy, khi lần đầu tiên về bệnh viện, tôi hoảng hồn khi phải xách giày lên, lội chân trần trên cái sân ngập nước bẩn lõng bõng, chỉ sợ có con gì bám vào chân. Nhưng kinh khủng hơn nữa, là ánh mắt mọi người ở bệnh viện nhìn tôi. Tôi là người phụ nữ duy nhất son phấn, mặc váy ở đó!” – bà Nguyễn Phước Kim Khánh – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Dệt May nhớ lại ấn tượng của mình về lần đầu tiên ấy.
Quả vậy, về cơ sở vật chất, nơi đây chỉ là một mảnh đất trũng giữa hồ ao, cứ mưa chút thôi là nước dềnh lên ngập hết sân, tràn vào hiên nhà. Khu khám bệnh tồi tàn dột nát, với vài ba cái máy cũ chẳng đáng kể gì. Không ai quan tâm đến cái cơ sở vốn được gọi là một trạm y tế của một nhà máy. Chỉ nhìn thôi người ta đã ngại bước vào, nói chi đến lòng tin là bệnh tật có thể được chữa trị ở nơi đây. Hình ảnh tồi tàn buồn bã đó còn ám ảnh những người từng trải qua thời kỳ ấy, đến tận bây giờ.
Dồn lực cho phát triển
Trong những lúc khó nhất, tưởng không thể vượt qua, thì có những vị lãnh đạo có tâm và hiểu chuyện, đã tận tình giúp đỡ bệnh viện. Trong số đó phải kể đến nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn DMVN Nguyễn Nhã, nguyên Chủ tịch HĐQT Lê Quốc Ân, nguyên Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Vũ Đức Giang, nguyên UV HĐQT Hoàng Thị Phiều… là những người từng hết lòng vì sự nghiệp y tế dệt may. Đặc biệt, ông Bùi Xuân Khu, khi đó là Tổng Giám đốc Tập đoàn, sau này là Thứ trưởng Bộ Công Thương, đã trực tiếp chỉ đạo phê duyệt phương án xây dựng Bệnh viện, động viên chia sẻ khó khăn với đội ngũ anh chị em, và trực tiếp đổ móng xây công trình Bệnh viện.
Có bà Kim Khánh vững ở hậu trường lo quản lý tài chính nội bộ, ra những quy chế mới để quản lý hiệu quả hơn, ông Dũng ngày đêm lo đi kết nối quan hệ với các công ty, nhà máy để kiếm việc về cho bệnh viện, tăng cường việc làm và thu nhập, tích lũy cải thiện cơ sở vật chất bệnh viện. Việc cứ nhiều dần lên, họ tuyển mộ thêm nhân lực, góp phần giúp bệnh viện hoạt động theo phong cách hoàn toàn mới, năng động và nhiệt tâm. Toàn đội ngũ bệnh viện giờ đây đã có thể tập trung, dồn lực cho việc xây dựng, phát triển ngôi nhà chung: Bệnh viện Dệt May.
Từng viên gạch mới xây, từng cây non được trồng, là những chắt chiu, tiết kiệm và công sức từng ngày của mỗi người trong đội ngũ bệnh viện Dệt May đã cố gắng làm việc không mệt mỏi. Họ nhìn người thuyền trưởng – Bác sĩ Nguyễn Đình Dũng để mà làm việc theo. Dường như bệnh viện chẳng thể nào thiếu bóng ông. Vừa thấy ông nói trong phòng họp, thoắt lại thấy ông ở phòng khám bệnh, căn chỉnh từng lời nói, động tác cho bác sĩ, lát sau đã thấy ông trò chuyện với bệnh nhân. Hình ảnh xúc động nhất mà những y, bác sĩ chứng kiến ở đây, đó là khi ông quỳ xuống bên giường bệnh, để có thể ghé sát tai, nghe tiếng bệnh nhân được rõ hơn.
Cũng từng tiếp xúc với quá nhiều ca bệnh, mà dường như Bác sĩ Dũng có “con mắt thứ ba”. Chỉ cần nhìn thể trạng người bệnh, xem thần sắc, ông đã có thể nói chính xác căn bệnh, chưa cần đến các xét nghiệm. Những chẩn bệnh như “lời phán” ngay từ phút đầu tiên nhìn thấy bệnh nhân của ông, lắm khi khiến người ta sởn gai ốc, nhưng đều chính xác đến kinh ngạc. Đó chỉ có thể đến từ tài năng, từ tâm huyết, từ sự dấn thân cả cuộc đời người bác sĩ, và tình yêu thương lớn lao đối với con người, đồng cảm với bệnh hoạn khổ đau của con người, mới dồn tụ lại, để ở ông có một cái nhìn mang yếu tố huyền bí hơn cả năng lực chuyên môn như vậy.
Học để phục vụ tốt hơn
Ngay từ những ngày đầu nắm cương vị lãnh đạo Bệnh viện Dệt May, Bác sĩ Dũng đã tạo điều kiện cho cán bộ của mình đi học, ông thậm chí thúc giục họ học để lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Bản thân ông phấn đấu học suốt đời, lấy sự học làm niềm vui, đam mê, và đem kiến thức học được áp dụng ngay trong công việc khám, chữa bệnh. Việc học hành, cập nhật kiến thức mới đã trở thành nét văn hóa riêng của mọi thành viên nơi đây.
Thật may mắn cho thế hệ sau tới làm việc tại Bệnh viện Dệt May. Hầu hết các điều dưỡng viên đều được học lên trình độ Đại học hoặc Cao đẳng. Các bác sĩ đều học thêm chương trình sau Đại học, định hướng chuyên ngành, chuyên khoa 1, Thạc sĩ phòng xét nghiệm, phòng kỹ thuật,… Tất cả các trưởng phòng đều được đào tạo trình độ Thạc sĩ, các trưởng khoa chuyên môn đều có bằng Thạc sĩ, Chuyên khoa 1. Thậm chí, ngay cả nhân viên bảo vệ cũng được cập nhật thường xuyên kiến thức an ninh, phòng chống cháy nổ.
Điều khác biệt dễ nhận thấy khi đến với Bệnh viện Dệt May lần đầu tiên, đó là tất cả bác sĩ, nhân viên y tế đều cúi đầu chào bệnh nhân, khách đến thăm, với nụ cười thân thiện, và hướng dẫn bệnh nhân tận tình trong việc khám chữa bệnh. Bệnh viện được tiêu chuẩn hóa thành cơ sở bệnh viện vệ tinh của trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Thăng Long. Là nơi đào tạo kiến thức lâm sàng về chữa bệnh nghề nghiệp cho sinh viên Đại học và sau Đại học. Thêm vào đó, bệnh viện cũng là cơ sở đào tạo thực hành cho Cao đẳng Y Tuệ Tĩnh, Hà Nội.
Nghĩ nhanh, nói nhanh, quyết nhanh, làm nhanh… là điểm dễ thấy nhất ở vị lãnh đạo Bệnh viện Dệt May – Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Đình Dũng. Kể cả những người trẻ mới về, cũng không theo kịp tốc độ của vị bác sĩ Bệnh viện trưởng đã ngoại lục tuần. Suốt ngày lăn lộn ở bệnh viện, tối lại đăm chiêu nghĩ cách đổi mới, ra những kế hoạch mới, phương án mới, ông là con người nhiều năng lượng, lại luôn cố gắng nên cán bộ nhân viên của ông không lúc nào sợ thiếu việc. Cho đến nay, họ đã có thể tự hào về thương hiệu Bệnh viện Dệt May, yên tâm làm việc và cống hiến, tin yêu người thuyền trưởng của mình.
Bài: KBH
Ảnh: Quang Nam