Để hiện thực hóa kỳ vọng mới hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp từ Thông tư 02/2023/TT-NHNN
Ngày 23/4/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng (viết tắt là Thông tư 02). Đây được coi là “cứu cánh” đối với doanh nghiệp hiện nay.
Giúp doanh nghiệp cơ cấu lại nợ
Thông tư 02 có hiệu lực kể từ 24/4/2023 đến hết ngày 30/6/2024 và các đối tượng áp dụng là: TCTD (không bao gồm ngân hàng chính sách), chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Khách hàng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ khách hàng là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài); Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Thông tư 02 được ban hành kịp thời theo chỉ đạo của Chính phủ đã tạo nhiều kỳ vọng mới cho doanh nghiệp và những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất & kinh doanh và trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng về khả năng được các TCTD – chủ nợ xem xét, tạo điều kiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, kéo dài thời gian vay và trả nợ, cũng như tiếp tục tiếp cận các nguồn vốn để phục vụ sản xuất & kinh doanh, tiêu dùng, tạo thêm dòng tiền và nguồn thu mới, có thêm cơ hội thuận lợi phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của mình. Qua đó, củng cố niềm tin nhà đầu tư và người dân, duy trì khả năng trả nợ ngân hàng, việc làm và thu nhập cho người lao động và góp phần thúc đẩy động lực tăng trưởng kinh tế cả nước nói chung.
Những kỳ vọng mới này dựa trên quy định Thông tư 02 cho phép các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ (bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung) trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và với các điều kiện chủ yếu là: dư nợ gốc phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính trước ngày 24/4/2023; phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ 24/4/2023 – 30/6/2024; số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 (mười) ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận; khách hàng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.
Thông tư 02 cũng cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản nợ có số dư nợ gốc và/hoặc lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 02 như nhóm nợ đã được phân loại theo quy định tại thời điểm gần nhất trước khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ này.
Thông tư 02 còn cho phép và hướng dẫn cụ thể các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện trích lập dự phòng đối với khách hàng có số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư 02…
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp
Để Thông tư 02 đi vào đời sống, hiện thực hoá những kỳ vọng mới và không gây khó cho doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, các bên liên quan cần tuân thủ tốt các quy định trong Thông tư 02 và xử lý tốt một số vấn đề sau:
Thứ nhất, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động thực hiện kiểm tra, kiểm soát nội bộ, đảm bảo giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để trục lợi.
Đặc biệt, cần sớm xây dựng, ban hành và thực hiện đúng quy định nội bộ về tiêu chí xác định số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, cũng các hướng dẫn liên quan khác về thủ tục, phân công, phân cấp, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận, cũng như quy định về theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, giám sát trong việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo tinh thần Thông tư 02 để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống; nghiêm cấm việc tăng thủ tục cho doanh nghiệp khi tiến hành thủ tục giãn hoãn nợ hoặc lợi dụng, vi phạm chính sách, che giấu nợ xấu..
Đồng thời, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tuân thủ nghiêm các yêu cầu của NHNN về gửi quy định nội bộ đó và các báo cáo liên quan cho NHNNN liên quan tình hình thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ…
Thứ hai, các đơn vị thuộc NHNN và Bộ Tài chính cần theo dõi, đôn đốc, thanh tra, giám sát việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện Thông tư và kịp thời tháo gỡ vướng mắc, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ.
Đồng thời, NHNN, Bộ Tài chính và các TCTD cần sớm có hướng dẫn và phối hợp truyền thông nội dung và kết quả thực hiện Thông tư trên thực tế.
Thứ ba, các DN và khách hàng vay tín dụng cần chủ động tìm hiểu và nắm rõ tinh thần Thông tư 02, cung cấp thông tin và phối hợp với các tổ chức tín dụng để hoàn thiện hồ sơ theo qui định trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư bảo đảm đúng phạm vi, đối tượng và điều kiện cơ cấu lại…
Bên cạnh đó, trong triển khai Thông tư 02 còn cần tăng cường sự chủ động và thiện chí phối hợp của các bên liên quan với các cơ quan báo chí, truyền thông và hiệp hội ngành nghề, cũng như các chuyên gia và tổ chức xã hội khác nhằm sớm nhận diện các vướng mắc, tiếp nhận đầy đủ các ý kiến phản biện và đề xuất từ doanh nghiệp, tăng năng lực phản ứng chính sách, giảm thiểu tình trạng lạm dụng, trục lợi hay các tác động trái chiều không mong muốn khác, bảo đảm hài hoà lợi ích, giữ vững sự ổn định, lành mạnh của hệ thống tài chính-tín dụng cả vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài…
Bài: TS.Nguyễn Minh Phong