Đế vương nước Việt và một số giai thoại liên quan đến Hổ
Con hổ được mệnh danh là “chúa sơn lâm”, đại diện cho sức mạnh, sự uy vũ cho nên thường được dùng để chỉ trong việc binh nhung, võ nghệ thí dụ như hổ trướng, hổ tướng, hổ phù, hổ môn… Là một loài vật được con người khiếp sợ mà tôn thờ cho nên văn hóa, lịch sử có rất nhiều câu chuyện, giai thoại, sự kiện liên quan đến con hổ, trong đó có những giai thoại ly kỳ, thú vị gắn với một số vị vua Việt Nam.
Bố Cái Đại vương Phùng Hưng đánh hổ giúp dân
Phùng Hưng có tên tự là Công Phấn, xuất thân từ dòng dõi cự tộc, hào trưởng đất Đường Lâm (nay thuộc làng Đường Lâm, TX. Sơn Tây, Hà Nội). Ông là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa lật đổ ách đô hộ của nhà Đường vào mùa hạ năm Tân Mùi (791), giành lại nền độc lập cho đất nước, được dân chúng suy tôn là Bố Cái đại vương.
Phùng Hưng khi còn là hào trưởng đã từng diệt hổ dữ giúp dân lành nhưng trong chính sử chỉ ghi ngắn gọn là ông “có sức khỏe, có thể vật trâu, đánh hổ” (Đại Việt sử ký toàn thư). Chuyện kể rằng một dạo, vùng Đường Lâm bỗng xuất hiện một con hổ dữ gây hại rất nhiều cho người và gia súc; phường săn đã được huy động tìm cách diệt hổ nhưng không được bởi đó là con hổ rất tinh khôn.
Phùng Hưng đánh hổ dữ
(Hình minh họa – Nguồn: 24h.xatosex.com)
Để diệt hổ dữ cứu dân lành, Phùng Hưng đã nghĩ ra kế hay, ông làm một bù nhìn bằng rơm rồi đặt ở nơi hổ thường xuất hiện. Khi thấy có dáng người, con hổ liền lao đến cắn xé nhưng đó chỉ là rơm với rơm. Tiếp đó Phùng Hưng lại đặt một bù nhìn rơm khác ở đúng chỗ đó; sau nhiều lần bị mắc lừa, con hổ không còn chú ý đến người rơm nữa. Một hôm Phùng Hưng cởi trần, đóng khố, trát bùn kín khắp người để làm mất đi mùi hơi người; sau đó ông tới nơi thường đặt bù nhìn rơm. Khi con hổ xuất hiện, lúc nó đi qua thì bất ngờ Phùng Hưng xông tới quặp chặt lấy cổ hổ, sau một hồi vật lộn, lựa thế thuận lợi ông đã giáng một cú đấm cực mạnh làm vỡ sọ con hổ.
Danh tiếng vị hào trưởng Đường Lâm một mình đánh chết hổ dữ ngày càng bay xa khiến anh hùng, nghĩa sĩ khắp nơi nô nức tìm đến tỏ lòng khâm phục và kết thân. Đây chính là cơ hội thuận lợi để Phùng Hưng liên kết, chuẩn bị lực lượng cho cuộc khởi nghĩa lật đổ ách đô hộ của quân Đường sau này.
Mai Thúc Loan đánh hổ cứu mẹ
Mai Thúc Loan tên thật là Mai Phượng, tự là Thúc Loan, quê ở làng Mai Phụ, xứ Thiên Lộc, thuộc Hoan Châu (nay thuộc xã Mai Lâm, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Sau gia đình ông di cư về vùng Ngọc Trường, đất Sa Nam, cũng thuộc Hoan Châu (nay là làng Ngọc Trừng, xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, Nghệ An) và sinh ra Mai Thúc Loan ở đây.
Mai Thúc Loan đánh hổ cứu mẹ
(Hình minh họa – Nguồn: kienthuc.net.vn)
Truyền rằng vì nhà nghèo nên từ thuở nhỏ Mai Thúc Loan đã phải làm việc giúp cha mẹ đỡ đần việc nhà. Một lần cùng mẹ vào rừng kiếm củi, bất ngờ có một con hổ lớn lông vàng chồm ra ngoạm lấy cổ bà mẹ định tha đi; cậu bé họ Mai nghe tiếng thét của mẹ liền lao đến dang tay chém mạnh một nhát rìu vào đầu hổ, con hổ dữ tuy bị chém đòn thí mạng phải buông mồi nhưng vẫn nhảy tới tát mạnh vào kẻ tấn công. Mai Thúc Loan nhanh nhẹn tránh được rồi dồn sức dùng rìu chém tiếp một nhát, con hổ bạt vía cụp đuôi bỏ chạy vào rừng với vệt máu từ vết thương lớn trên người.
Người mẹ thoát khỏi nanh vuốt của hổ nhưng vì vết thương trên cổ quá nặng nên đã qua đời, Mai Thúc Loan trước đã mồ côi cha nay mất cả mẹ, may mắn là một người bạn của cha tên là Đinh Thế đã cưu mang, nuôi dạy ông, đến khi Mai Thúc Loan trưởng thành đã gả con gái là Đinh Thị Ngọc Tô. Chính người vợ này và gia đình bà sau này đã giúp đỡ Mai Thúc Loan rất nhiều trong việc chuẩn bị lực lượng dấy cờ khởi nghĩa.
Lê Đại Hành và ngôi mộ hổ táng phát đế vương
Lê Đại Hành tên húy là Lê Hoàn xuất thân ở chốn bình dân sau làm tướng quân thời Đinh Tiên Hoàng Đế, vì có công nên ông được giữ chức Thập đạo tướng quân đứng đầu lực lượng quân đội của nước Đại Cồ Việt. Tháng 7 năm Canh Thìn (980) Lê Hoàn được triều thần tôn lên ngôi thay cho vua nhà Đinh lúc bấy giờ là Đinh Toàn còn quá nhỏ tuổi, lập ra nhà Tiền Lê.
Bên cạnh những diễn biến chính trị phức tạp lúc đó đã dẫn đến việc thành lập vương triều mới, thì đối với dân gian, chuyện Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế là do nhờ vào ngôi mộ phát đế vương của gia đinh ông. Ở xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam có ngôi đền thờ Lê Hoàn, cách đó không xa là ngôi mộ tổ, theo truyền thuyết là mộ ông nội Lê Hoàn bị hổ đánh chết rồi đem táng ở đây.
Tượng thờ vua Lê Đại Hành
(Hình minh họa – Nguồn: baohaiduong)
Truyền rằng ông nội Lê Hoàn là Lê Lộc nhà nghèo, vợ mất sớm nên ông phải làm nghề câu cá, đơm đó nuôi cậu con trai và một con hổ nhỏ. Con hổ ông nuôi ngày một lớn, nó rất tinh khôn, ngày ngày quanh quẩn trông coi nhà cửa và canh đơm, đó cho chủ. Một hôm ông Lê Lộc đi thăm bạn, mải vui nên quá chén đến tận đêm khuya mới trở về, đến chân núi Bông Vãng thì cởi áo lội xuống be bờ ngăn nước. Con hổ vì không nhận được hơi chủ, tưởng kẻ gian trộm đó lấy cá nên nó chồm ra vả chết người. Khi biết vì lầm mà hại chết chủ, nó mang xác Lê Lộc đem lên núi Cõi giấu, sau một đêm mối đùn thành ngôi mộ, sau gọi là Mả Giấu hoặc mộ hổ táng. Theo phong thủy đây là kiểu đất rất đẹp có mạch phát đế vương nhưng chỉ được ba đời vì thế núi không cao.
Sau này, Tiến sĩ triều Lê sơ và đồng thời là nhà sử học danh tiếng tên là Lê Tung từng qua đây và có làm bài thơ “Lê gia hổ táng mộ” (Mộ hổ táng nhà họ Lê) như sau:
Thiên lý giang hồ đáo thử hương,
Lâm trung ẩm ước bích viên tường.
Công ngư tầm thực Bông sơn giản,
Hổ táng phong trung Bắc lĩnh cương.
Hậu phát cát tường sinh tướng súy,
Kế vị hoàng đế hiển thần phương.
Tứ quan bất kiến hà cao hậu,
Tam đại do truyền cổ thuyết chương.
Nghĩa là:
Sông hồ ngàn dặm tới nơi đây,
Thấp thoáng tường rêu dưới bóng cây.
Khe nước núi Bông đi đổ đó,
Táng trên non Bắc hổ mang thây.
Điềm lành sinh cháu ra làm tướng,
Ngôi đế nhiều mưu việc khéo thay.
Sách nói ba đời còn rõ rệt,
Thì ra bốn mặt thiếu cao dày.
Truyền kỳ Lý Thần Tông hóa hổ
Lý Thần Tông tên húy là Lý Dương Hoán, được bác là Lý Nhân Tông nhận làm con nuôi và lên ngôi kế vị ngày 12 tháng 12 năm Đinh Mùi (1127). Tương truyền kiếp trước của vua là nhà sư Từ Đạo Hạnh.
Theo sách Việt điện u linh, Từ Đạo Hạnh kết bạn với nhà sư Nguyễn Minh Không và nhà sư Giác Hải. Có lần Từ Đạo Hạnh làm phép giả hóa hổ dọa hai bạn khi họ đến xã Ngai Cầu (thuộc Từ Liêm, Hà Nội ngày nay), không ngờ Nguyễn Minh Không nhận ra được mới nói rằng: “Nếu muốn vậy, sau này chắc sẽ phải chịu quả báo như thế”. Từ Đạo Hạnh hối hận nói rằng nếu phải chịu quả báo này, thì nhờ bằng hữu lúc đó hãy tới cứu giúp. Sư Nguyễn Minh Không bèn nhận lời.
Sau khi Lý Nhân Tông mất, Hoàng Thái tử (tức là hậu thân của Từ Đạo Hạnh thác sinh) nối ngôi, trở thành vua Lý Thần Tông. Năm Lý Thần Tông 21 tuổi, bỗng nhiên mắc bệnh lạ, tâm thần rối loạn, trên người mọc lông, ngồi xổm chụp người, cuồng loạn, gầm gừ, gào thét, tiếng kêu đau đớn như tiếng cọp gầm rú, nghe rất là kinh khiếp, đáng sợ. Triều đình phải làm cũi vàng nhốt vua vào đó rồi cho người đi tìm các danh y trong nước về kinh chữa bệnh cho vua, đến kể hàng ngàn hàng vạn nhưng đều chịu khoanh tay, bất lực.
Tượng thờ vua Lý Thần Tông ở chùa Thầy
(Hình minh họa – Nguồn: flickriver.com)
Sau nghe danh tiếng nhà sư Nguyễn Minh Không, triều đình mời ông về triều. Ông sai nấu vạc dầu sôi, lấy 100 cây kim găm vào thân vua và cầm cành hoè nhúng vào dầu sôi, rảy đều khắp mình nhà vua. Lạ thay, chỉ trong nháy mắt lông lá trên người Lý Thần Tông tự nhiên rụng hết, chẳng còn tiếng gầm gừ, cũng không còn run sợ như lúc trước. Nét mặt nhà vui tươi tỉnh dần lên, giọng nói cũng trở lại bình thường, thân thể hoàn phục như cũ. Sau đó, Lý Thần Tông ban thưởng nhiều của cải, đất đai và phong cho Minh Không làm quốc sư, sử chép danh hiệu là Lý triều Quốc sư.
Con hổ dưới gốc quế và chuyện ra đời của Lê Thái Tổ
Là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lật đổ ách đô hộ của giặc Minh xâm lược và sáng lập ra vương triều Hậu Lê, xung quanh cuộc đời và sự nghiệp của vua Thái Tổ Lê Lợi được bao phủ bằng nhiều huyền tích trong đó có câu chuyện ly kỳ về sự ra đời của nhà vua.
Theo sách Đại Việt thông sử, Lê Thái Tổ tên thật là Lê Lợi, sinh giờ Tý, ngày 6 tháng 8 năm Ất Sửu (1385). Truyền rằng ở thôn Như Áng, gần nhà vua “có một cây quế, dưới cây quế có con hổ xám thường xuất hiện, nhưng nó hiền lành, vẫn thường thân cận với người mà chưa từng hại ai. Từ khi Hoàng đế ra đời, thì không thấy con hổ ấy đâu nữa. Người ta cho đó là một sự lạ.
Ngày Hoàng đế sinh thì trong nhà có hào quang đỏ chiếu sáng rực và mùi thơm ngào ngạt bay khắp làng. Khi lớn lên, ngài thông minh dũng lược, độ lượng hơn người, vẻ người tươi đẹp hùng vĩ, mắt sáng mồm rộng; sống mũi cao. Xương mi mắt gồ lên; bả vai bên tả có 7 nốt ruồi, bước đi như rồng như hổ; tiếng nói vang vang như tiếng chuông. Các bậc thức giả biết ngay là một người phi thường”.
Tượng hổ đá tại khu vực lăng vua Lê Thái Tổ
(Hình minh họa – Nguồn: vietlandmarks.com)
Một tài liệu được ghi chép sớm hơn, được viết ngay dưới thời Lê Thái Tổ ở ngôi đó là sách Lam Sơn thực lục, trong sách đoạn viết: “Nguyên xưa lúc nhà vua chưa sinh, ở xứ Du Sơn trong làng, dưới cây rừng quế, thuộc thôn sau Như Áng, thường có con hổ đen, thân nhau với người, chưa hề làm hại ai! Đến giờ Tý ngày mồng 6 tháng 8 năm Ất Sửu sinh ra nhà vua, từ đó không thấy con hổ đâu! Người ta cho là chuyện lạ.
Lúc sinh Nhà vua có ánh sáng đỏ đầy nhà, mùi hương đầy xóm. Lúc nhỏ, tinh thần và vẻ người coi rất mạnh mẽ, nghiêm trang; mắt sáng; miệng rộng; mũi cao; mặt vuông; vai trái có bảy nốt ruồi; đi như rồng; bước như hổ, tóc, lông đầy người, tiếng vang như chuông; ngồi như hùm ngồi! Kẻ thức giả biết là bậc người cực sang! Kịp khi lớn, thông minh, khôn, khỏe, vượt hẳn bọn tầm thường”.
Lê Thái Dũng