Doanh nghiệp và người lao động “cộng hưởng” phát triển
Các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững trong nền kinh tế hội nhập hiện nay, tất yếu phải quan tâm đến người lao động, cần có những chính sách hấp dẫn để thu hút nhân tài. Mặt khác, người lao động muốn được hưởng lương cao, các chế độ phúc lợi tốt thì cũng cần nâng cao năng lực, trình độ, làm việc có năng suất và hiệu quả cao. TS. Vũ Minh Tiến- Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có cuộc trao đổi với Đặc san Dệt May và Thời trang Việt Nam về nội dung này:
QUAN TÂM, HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG
PV: Thưa TS. Vũ Minh Tiến, ông nhìn nhận thế nào về những chính sách mới nhất hỗ trợ, chăm lo người lao động (NLĐ) để ổn định thị trường lao động, tạo nguồn lực cho doanh nghiệp khôi phục và bứt phá sản xuất kinh doanh sau những tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19?
TS Vũ Minh Tiến: Để góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn sau 2 năm chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19 và không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động tăng từ ngày 01/7/2022.
Hỗ trợ tiền thuê nhà và tăng lương tối thiểu vùng, bản chất khác nhau nhưng có một điểm chung, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho NLĐ trong giai đoạn hiện nay.
Hỗ trợ tiền thuê nhà là một chế độ phúc lợi hỗ trợ NLĐ, đặc biệt là những NLĐ di cư ra làm việc tại các khu công nghiệp, xa khu đô thị rất khó khăn về nhà ở, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ trực tiếp bằng tiền mặt từ ngân sách nhà nước với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng hoặc 1 triệu đồng/người trong tối đa 3 tháng. Giá trị vật chất không lớn, nhưng thực tế vào thời điểm khó khăn sau dịch Covid-19, giá cả tăng cao thì chương trình đem lại ý nghĩa lớn với NLĐ, đặc biệt về yếu tố tinh thần. Chính việc hỗ trợ này giúp người NLĐ yên tâm, quay trở lại thị trường lao động. Đồng thời, giúp khu công nghiệp, doanh nghiệp có nhân lực phát triển sản xuất kinh doanh. Khi phát triển sản xuất kinh doanh tốt, doanh nghiệp sẽ đóng thuế và thực hiện các hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội cho nhà nước, NLĐ. Như vậy, việc hỗ trợ tiền thuê nhà mang tính chất an sinh xã hội cao.
Tôi cho rằng, vấn đề tăng lương tối thiểu vùng, đây là quyền của NLĐ được hưởng; là nghĩa vụ, trách nhiệm của Chính phủ và các bên liên quan trong việc phải điều chỉnh tiền lương theo quy định của Bộ Luật Lao động. Việc tăng lương tối thiểu lần này là sự chia sẻ trước khó khăn từ việc làm, tiền lương, thu nhập của NLĐ. Hiện nay đời sống NLĐ đang bị giảm sút vì giá cả tiêu dùng tăng cao. Chính phủ kịp thời điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng sau 18 tháng không điều chỉnh là rất cần thiết.
Việc tăng lương tối thiểu vùng cũng góp phần tăng lương cho nhiều NLĐ vì hầu hết các doanh nghiệp đều sẽ phải điều chỉnh tăng lương cơ bản, điều chỉnh thang bảng lương trả cho NLĐ và cả mức đóng BHXH… Bên cạnh đó, đây là cơ sở để NLĐ và công đoàn cơ sở thương lượng với người sử dụng lao động về tăng lương thoả đáng cho NLĐ trong điều kiện nhu cầu tuyển dụng lao động khá lớn hiện nay.
Ngoài các chế độ, chính sách Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm, hỗ trợ NLĐ, theo ông, doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp gì để NLĐ yên tâm làm việc và phát huy năng lực sản xuất kinh doanh trong thời điểm còn nhiều khó khăn hiện nay?
Để giữ chân và gắn bó NLĐ với doanh nghiệp, theo tôi doanh nghiệp cần tính toán, sắp xếp, có kế hoạch bảo đảm việc làm ổn định. Thực tế, có những doanh nghiệp lượng công việc không nhiều, thay vì chấm dứt hợp đồng lao động, họ giãn việc; giảm tối đa việc cho NLĐ nghỉ việc không lương hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Trong lúc đứt gãy đơn hàng, tình hình khó khăn, khủng hoảng, doanh nghiệp khó khăn thì đời sống của NLĐ rất khó khăn. NLĐ chỉ có lương, mất việc là mất thu nhập. Giải pháp lâu dài hay trước mắt thì doanh nghiệp vẫn cần bảo đảm việc làm và nộp đầy đủ những khoản tiền quy định theo Luật Lao động cho NLĐ.
Trong bối cảnh hiện này, nhu cầu lao động khá lớn, đặc biệt là lao động phổ thông. Vấn đề luôn được quan tâm nhất, đó là tăng lương và thu nhập cho NLĐ để lương, thưởng, chế độ chính sách liên quan (tiền hỗ trợ đi lại, phụ cấp, hỗ trợ tiền nhà ở, hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ, tiền chuyên cần,…) điều chỉnh làm sao bằng hoặc cao hơn những doanh nghiệp cùng nghành nghề. Nên lấy mức trung bình tiên tiến trên địa bàn là tốt nhất.
Tổ chức công đoàn cơ sở kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng, phát hiện những trường hợp khó khăn, sớm có giải pháp hỗ trợ kịp thời, ví dụ như phụ nữ nuôi con nhỏ, những NLĐ di cư ở khu công nghiệp, người ốm đau bệnh tật. Chính những hành động cụ thể, quan tâm thiết thực, chăm lo cho NLĐ sẽ tạo sự gắn kết giữa NLĐ với doanh nghiệp, thu hút và giữ chân NLĐ. Thực tế, trong cùng một khu vực có doanh nghiệp treo biển tuyển dụng nhưng rất khó tuyển được lao động. Nhưng cũng có doanh nghiệp vẫn thu hút được nguồn lực, tạo dựng được uy tín và hình ảnh về môi trường làm việc phát triển để NLĐ yên tâm gắn bó và đoàn kết, cùng vượt qua giai đoạn khó khăn.
CHIA SẺ, THÍCH NGHI VÀ HỘI NHẬP
Thị trường diễn biến phức tạp, ngành dệt may chịu tác động không nhỏ từ giá nguyên nhiêu liệu, vận tải tăng cao, suy giảm đơn hàng… Trong thời điểm này, NLĐ cũng cần có sự chia sẻ đồng hành thế nào với doanh nghiệp, thưa TS?
Giai đoạn vừa qua, khi doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chính NLĐ và tổ chức công đoàn cơ sở chia sẻ, tự giác, tự nguyện, gắn kết đồng hành với doanh nghiệp. Sức mạnh, tinh thần, trách nhiệm của NLĐ đã vực doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Nhiều NLĐ đã không ngại khó, không đòi hỏi cao, chủ động thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến”, “3 tại chỗ”,… không quản làm tăng ca, thêm giờ, tiếp tục phát huy tinh thần lao động sáng tạo tích cực… tạo thành văn hóa đoàn kết giữa NLĐ và doanh nghiệp.
Theo tôi, cần tiếp tục phát huy sự “cộng hưởng” này trong thời điểm hiện nay. NLĐ hiểu rõ, khi chia sẻ, đóng góp với doanh nghiệp thì doanh nghiệp cũng quan tâm lại. NLĐ xác định cần có thái độ làm việc tích cực, năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm với doanh nghiệp, chấp hành kỷ luật lao động, kỷ luật tác phong công nghiệp; chủ động nâng cao tay nghề, đoàn kết, gắn kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh và trong cuộc sống. Mỗi NLĐ như một “mắt xích”, cùng các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, cán bộ quản lý doanh nghiệp để xây dựng tập thể, đoàn kết vững mạnh, doanh nghiệp phát triển bền vững. Khi NLĐ làm tốt, sản xuất kinh doanh có lãi, doanh nghiệp có điều kiện về kinh tế, quay lại quan tâm tới NLĐ như tăng lương, chăm lo an sinh xã hội, …
Bài toán đặt ra, tăng năng suất, tăng doanh thu, tăng lợi nhuận trước hay tăng lương cho NLĐ trước? Nếu thực hiện song song được là tốt nhất. Theo tôi, cần quan tâm tăng lương, chăm lo đến nguồn nhân lực trước, kêu gọi, khuyến khích NLĐ tích cực trong sản xuất kinh doanh để tăng năng suất, chất lượng. Trước mắt và lâu dài, NLĐ cần được quan tâm, chăm lo trước. NLĐ cũng cần làm tốt trách nhiệm và nghĩa vụ với doanh nghiệp. Bảo đảm hài hòa lợi ích tăng thu nhập, chất lượng sản phẩm tốt, hai bên cùng có lợi sẽ có sự phát triển bền vững.
Trước xu thế chuyển đổi số, tự động hóa đang ngày càng mạnh mẽ hiện nay, NLĐ cần chuẩn bị những kỹ năng gì để thích ứng, thưa TS?
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu không chỉ riêng Việt Nam, mà trên bình diện toàn thế giới, nhất là trong bối cảnh đối diện với “thách thức kép” – vừa chống đại dịch Covid-19, vừa chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả để phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Dưới góc độ NLĐ, cần quan tâm đầu tiên là xác định về tinh thần và tâm lý trong điều kiện việc làm, sinh hoạt hiện nay. Trong đó có chuyển đổi mô hình SXKD. NLĐ cũng cần xác định tâm lý thay đổi công việc, ra khỏi dây chuyền. Vai trò doanh nghiệp lúc này cần chủ động đào tạo dạy nghề, chuyển đổi NLĐ trong từng bộ phận. Ví dụ, một số doanh nghiệp dệt may khi lắp dây chuyền tự động hóa, nhiều người lao động sẽ chuyển sang bộ phận may thủ công, thêu thủ công…, những công đoạn đòi hỏi tay nghề cao, tỉ mỉ, sản phẩm chất lượng tinh. Như vậy, NLĐ cũng cần chủ động, sẵn sàng chuyển đổi nghề và nâng cao tay nghề, tự học hỏi, thích nghi, thích ứng với dây chuyền, vận hành dây chuyền mới.
Thưa ông trong thời gian tới, Viện Công nhân và Công đoàn và các cơ quan liên quan tiếp tục có những tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội những chính sách gì để hỗ trợ NLĐ?
Theo tôi, Viện Công nhân và Công đoàn cần sớm nghiên cứu để xem xét việc điều chỉnh lương tối thiểu vừa rồi đã bị lạc hậu chưa? Bởi khi xây dựng mức lương tối thiểu vùng tăng 6% này dựa trên chỉ số giá tiêu dùng thời điểm đó, hiện nay đã trượt giá, tốc độ tăng năng suất, tác động của GDP khác. Đặc biệt, trong 1 đến 2 năm tới, chỉ số tiêu dùng sẽ cao hơn nhiều so với dự kiến. Mặc dù Nghị định số 38/2022/NĐ-CP mới ban hành nhưng cũng cần đánh giá, sớm kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có nghiên cứu, đánh giá sớm về việc thực thi Nghị định số 38/2022/NĐ-CP để trong trường hợp cần thiết, có thể cần phải điều chỉnh sớm hơn dự kiến. Khi chính sách thực thi đi vào cuộc sống, không nên máy móc, đặc biệt chỉ số tiêu dùng, quan hệ cung cầu, GDP hiện nay cũng tăng rất nhanh trong khi đó chỉ số tiêu dùng lại trượt giá quá cao. Việc đánh giá thực tiễn thi hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP để sớm có kiến nghị là việc cần thiết.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần tuyên truyền phổ biến, nâng cao năng lực, hỗ trợ cho các bên, đặc biệt là các cấp công đoàn trong việc thương lượng về vấn đề điều chỉnh lương cơ bản của doanh nghiệp, thương lượng các chế độ trợ cấp, tiền thưởng, tăng thêm ngoài lương cho NLĐ. Hướng dẫn và hỗ trợ cho các bên đối thoại về vấn đề này. Các cấp công đoàn cần chủ động ghi nhận và lắng nghe nguyện vọng của NLĐ trong những vấn đề về lương, thưởng, chế độ chính sách ở công ty. Không để tình trạng đình công, lãn công xảy ra.
Chính quyền địa phương quan tâm đến vấn đề xây dựng nhà ở (nhà cho thuê, nhà ở xã hội), hạ tầng cơ sở, giáo dục, y tế, chợ… cho NLĐ. Việc xây nhà ở xã hội để người lao động được mua là vấn đề rất khó. Trước mắt, việc hỗ trợ tiền thuê nhà là hợp lý, thiết thực ngay với NLĐ. Thực tế, những vấn đề phục vụ trước mặt cho NLĐ, chính quyền địa phương quanh khu vực công nghiệp, doanh nghiệp, nhà máy hoàn toàn có thể quan tâm ngay được, như: điện, nước, các sinh hoạt thường ngày… Về lâu dài thì cần xây dựng một thiết chế phục vụ NLĐ. Đồng thời, tiếp tục có những chính sách an sinh xã hội theo chương trình phát triển kinh tế – xã hội như: đào tạo nghề, hỗ trợ nhà ở, giáo dục… Dù đã quan tâm, nhưng theo tôi, vẫn cần quan tâm đặc biệt tới những NLĐ nghèo, nhất là lao động nữ di cư, lao động đang nuôi con nhỏ.
Xin trân trọng cảm ơn TS!
Kiều Giang- Thanh Thúy (Thực hiện)