Đón đọc Đặc san Dệt May và Thời trang số tháng 09/2022
Đặc san Dệt May và Thời trang Việt Nam số tháng 09/2022 với chủ đề “Chuyển đổi số nâng tầm vị thế dệt may” cung cấp cho bạn đọc tầm quan trọng của việc chuyển đổi số và những kết quả đã đạt được trong giai đoạn đầu cùng kế hoạch triển khai chuyển đổi số giai đoạn tiếp theo của Vinatex. Bên cạnh đó, Đặc san cũng cập nhật những thông tin về biến động của thị trường thế giới và tâm thế vững vàng ứng phó của các doanh nghiệp trong ngành.
Mở đầu Đặc san, bài viết “Vững vàng trước thử thách của thị trường” của ông Lê Tiến Trường-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex cung cấp cho độc giả những thông tin cập nhật về những khó khăn do thị trường đầy biến động mang lại. Trước bối cảnh đó, lãnh đạo Tập đoàn cùng các doanh nghiệp sẽ tiếp tục cùng nhau tập trung mọi nỗ lực trong quản trị để hoàn thành tốt nhiệm vụ SXKD năm 2022.
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh do Covid-19, có thể nói các giải pháp này đã đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới khi thời điểm khó khăn nhất do tác động của dịch bệnh Covid-19 đã qua, kinh tế Việt Nam tiếp tục có những chuyển biến thuận lợi thì những biện pháp hỗ trợ và doanh nghiệp cần phải thay đổi thế nào? Bạn đọc sẽ có câu trả lời qua bài viết “Đẩy nhanh giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn mới” của Tiến sĩ Hà Huy Tuấn – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
Chuyển đổi số, kinh tế số đang là xu thế của toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược. Với sự xuất hiện của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và cú huých từ đại dịch Covid-19, thế giới đang ở điểm đột phá trong quá trình chuyển đổi số, tạo xung lực mới cho tăng trưởng nền kinh tế. Vinatex và các đơn vị thành viên đã và đang thực hiện việc chuyển đổi số ra sao? Xin mời quý độc giả cùng tìm hiểu qua loạt bài viết “Vinatex chuyển đổi số: Cơ hội đổi mới doanh nghiệp, năng suất làm việc và tăng doanh thu”; “Doanh nghiệp dệt may “bứt tốc” chuyển đổi số”; “Tăng tốc chuyển đổi số hoạt động quản trị sản xuất kinh doanh ngành Sợi giai đoạn 2”; “Vai trò của điện toán đám may trong chuyển đổi số”.
Luật chuỗi cung ứng của Đức có hiệu lực từ 01/01/2023 sẽ tác động thế nào đến các doanh nghiệp Việt Nam – một phần trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Đức? Quý độc giả sẽ có câu trả lời qua bài viết “Luật chuỗi cung ứng của Đức tác động đến doanh nghiệp thế nào?”.
Trong những thập kỷ qua, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dệt may trên toàn thế giới tăng rất nhanh, chúng ta đang phải đối mặt với một núi rác thải dệt may khổng lồ. Đã đến lúc phải thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng để bền vững hơn nếu không chúng ta sẽ phải đối mặt với các vấn đề môi trường như mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. Một trong những cách để chống lại các núi rác thải dệt may ngày càng lớn là triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn. Đây là nội dung bài viết “Sản xuất và tiêu thụ hàng dệt may trong nền kinh tế tuần hoàn” Đặc san Dệt May và Thời trang Việt Nam tháng 9 cung cấp tới độc giả.
Xây dựng trường mầm non trong doanh nghiệp không chỉ là “điểm sáng” trong việc chăm lo, phúc lợi cho NLĐ, đây còn là mô hình được Vinatex và các đơn vị thành viên “khuyến khích” mở rộng cùng hệ thống y tế, siêu thị, thể dục thể thao… để việc chăm lo cho CBNV-NLĐ dệt may toàn diện, hiệu quả hơn. Để NLĐ có thể yên tâm làm việc các trường mầm non thuộc các doanh nghiệp trong Tập đoàn đã có những chuẩn bị gì cho năm học 2022-2023? Mời quý độc giả cùng tìm hiểu qua bài viết “Niềm vui trong ánh mắt trẻ thơ”.
Bên cạnh đó, Đặc san số này cung cấp cho bạn đọc những bài viết về Kinh tế toàn cầu đối mặt với lạm phát; “Không chất thải” trong thời trang và dệt may: Nền tảng của tương lai; LBC thu hẹp khoảng cách đào tạo nghề cho lao động dệt may; Truyền cảm hứng trong ngày tựu trường; truyện ngắn Chị hãy là của riêng anh của nhà văn Kiều Bích Hậu…
Trân trọng kính mời độc giả đón đọc qua Đặc san in và qua đường link: //xatosex.com/tap-chi-det-may-va-thoi-trang-viet-nam/
Mọi chi tiết xin liên hệ: Đặc san Dệt may và Thời trang – Địa chỉ: 25 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội. ĐT: Ban Tuyên giáo – Truyền thông: 024.38251252; Email: [email protected].