Hợp tác cải thiện quản lý nước ngành dệt may
Tổ chức Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đang triển khai Dự án “Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững”.
Dự án tham vọng chuyển đổi ngành dệt may Việt Nam từ ngành có chi phí sản xuất và tiêu chuẩn môi trường thấp trở thành một ngành sản xuất bền vững, có trách nhiệm với môi trường. Dự án được triển khai từ năm 2018 – 2020, với mục tiêu chuyển đổi ngành dệt may Việt Nam thông qua tham gia vào các chính sách quản lý ngành và môi trường để mang lại lợi ích xã hội, kinh tế và bảo tồn cho Việt Nam cùng toàn bộ khu vực sông Mê kông, nơi tập trung gần 50% nhà máy may mặc của cả nước.
Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững. Ảnh minh họa
Trọng tâm chính của dự án là cải thiện hiệu suất nước và năng lượng, từ đó, giảm thiểu tác động của ngành lên tới môi trường. Dự án sẽ hợp tác với các doanh nghiệp, khuyến khích họ chủ động tham gia hơn vào công tác quản lý sông Mê kông, quy hoạch năng lượng bền vững; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này thảo luận về kế hoạch hành động chung nhằm đầu tư và phát triển ngành dệt may một cách bền vững. Đồng thời, dự án nhằm tác động tới các nhà đầu tư của ngành dệt may Việt Nam nhằm thúc đẩy sản xuất bền vững.
Các bên liên quan chính trong dự án bao gồm các nhãn hàng quốc tế có nhà cung cấp tại Việt Nam, các nhà máy trên toàn quốc, đặc biệt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm TP.HCM, các tổ chức tài chính, đối tác phát triển và các sáng kiến liên quan khác. Các đối tác nước ngoài bao gồm Hội đồng Dệt May Quốc gia Trung Quốc và Hợp tác Lan Thương Mê kông.
Ông Marc Goichot, đại diện của WWF-Greater Mê kông cho biết: “Đối với WWF, xanh hóa thành công ngành may mặc Việt Nam sẽ góp phần vào thực hiện mục tiêu rộng lớn hơn của tổ chức về quản trị nguồn nước và sử dụng năng lượng hiệu quả. Đây là hai vấn đề môi trường được quan tâm hàng đầu hiện nay trên thế giới. Về mặt lâu dài, chúng tôi muốn nhìn thấy các nhà máy, khu công nghiệp và các nhân tố quan trọng khác của ngành cùng chủ động giải quyết các rủi ro và tác động, không chỉ trong doanh nghiệp của mình, mà còn quản lý có trách nhiệm những nguồn tài nguyên chung trong toàn ngành. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc với ngành công nghiệp dệt may của các nước xuất khẩu hàng đầu trên thế giới như: Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh và Pakistan, WWF tin mình có thể giúp Việt Nam tạo ra một sự thay đổi tích cực lớn đối với ngành may mặc.”
Theo Báo TN&MT