Ký kết Thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt May Việt Nam lần thứ VI
Sáng 11/7 tại Hà Nội, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) và Công đoàn Dệt May Việt Nam (Công đoàn DMVN) tổ chức Lễ ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) ngành Dệt May Việt Nam lần thứ VI. Tham dự chương trình có ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Bà Trần Thị Liễu – Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương – Bộ LĐ,TB&XH; Bà Trần Thị Thanh Hà – Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐVN; Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Vitas; Bà Phạm Thị Thanh Tâm – UV BCH Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch Công đoàn DMVN.
Toàn cảnh buổi Lễ
Thông tin về quá trình ký kết TƯLĐTT lần thứ VI, những nội dung mới trong thỏa ước lần này, ông Nguyễn Thái Dương – Phó Chủ tịch Công đoàn DMVN cho biết, TƯLĐTT lần thứ VI được Hiệp hội và Công đoàn Dệt May Việt Nam thương lượng từ ngày 26/4 đến ngày 16/5/2024 nhằm xác lập các chế độ, chính sách phúc lợi cao hơn quy định của pháp luật để áp dụng cho người lao động (NLĐ) trong hệ thống. Qua 3 phiên họp thương lượng, hai bên đã thống nhất một số nội dung sau:
- Giữ nguyên các điều khoản đã xác lập trong TƯLĐTT ngành lần V về mức thu nhập tối thiểu, thang bảng lương, chế độ phụ cấp, tiền thưởng, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi và quy định về đảm bảo duy trì, cải thiện các chế độ đã đạt được.
- Tăng mức và xác định mức tiền cụ thể đối với một số chế độ, chính sách đã được xác lập từ TƯLĐTT ngành lần V gồm: tăng mức tiền ăn ca thêm 2.000 đồng/suất/vùng; tặng quà cho lao động nữ vào ngày 8/3 và ngày 20/10 hàng năm mức tối thiểu 50.000 đồng/người/lần.
- Xác lập chế độ phúc lợi mới: Chi hỗ trợ NLĐ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi mức tối thiểu 50.000 đồng/người/tháng.
- Mở rộng đối tượng tham gia áp dụng TƯLĐTT. Theo đó, những doanh nghiệp (DN) mà người sử dụng lao động (NSDLĐ) không thuộc Hiệp hội và Công đoàn cơ sở (CĐCS) không thuộc Công đoàn Dệt May nhưng nếu cả NSDLĐ và đại diện tập thể lao động của DN cùng ký công văn xin tham gia TƯLĐTT ngành gửi cho Hiệp hội và Công đoàn Dệt May Việt Nam và được cả hai bên chấp thuận thì được áp dụng TƯLĐTT ngành.
Căn cứ kết quả thương lượng, ngày 20/5/2024, Hiệp hội Dệt May Việt Nam và Công đoàn DMVN đã ban hành Công văn liên tịch số 109/LT-HH-CĐDMVN về việc ủy quyền và đăng ký tham gia TƯLĐTT ngành Dệt May Việt Nam để lấy ý kiến NSDLĐ và CĐCS theo quy định. Tính đến ngày 30/6/2024, đã có 85 DN và 85 CĐCS gửi giấy ủy quyền và đăng ký tham gia TƯLĐTT ngành Dệt May lần thứ VI, chiếm tỷ lệ trên 75%, đủ điều kiện ký kết theo quy định của pháp luật hiện hành.
“Qua 5 lần ký kết, TƯLĐTT đã phát huy vai trò xác định chính sách khung của ngành, làm cơ sở để các DN thực hiện và điều chỉnh chế độ chính sách đối với NLĐ, góp phần cải thiện việc làm, đời sống, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Lần ký kết thứ VI này sẽ tiếp tục đảm bảo tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, cũng như điều hòa lợi ích, hạn chế cạnh tranh về chi phí lao động giữa các DN trong hệ thống, tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa NLĐ và NSDLĐ dệt may trên cả nước” – Phó Chủ tịch Công đoàn DMVN Nguyễn Thái Dương nhấn mạnh.
Phát biểu tại Lễ ký kết, bà Trần Thị Thanh Hà – Ủy viên Đoàn chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐVN chia sẻ, dệt may là ngành có số lượng CNLĐ lớn, quan hệ lao động phức tạp, có các yếu tố diễn biến nhanh, nhạy cảm. Vì vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam luôn quan tâm, chỉ đạo Công đoàn DMVN chủ động xây dựng quy trình đối thoại, thương lượng và được sự thống nhất của Bộ LĐ,TB&XH, VCCI lựa chọn để thí điểm thực hiện đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT cấp ngành đầu tiên của Việt Nam. Kết quả, qua mỗi lần ký kết, các bản TƯLĐTT ngành lần sau đều xác lập được thêm các chế độ, chính sách, phúc lợi cho NLĐ nhiều hơn và cao hơn các lần trước. Những nội dung chính được quy định trong các bản thỏa ước là mức thu nhập bình quân tiền lương, tiền ăn giữa ca, tiền thưởng, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, các chế độ chính sách dành riêng cho lao động nữ và các chế độ phúc lợi có giá trị bằng tiền dành cho NLĐ.
“Bản TƯLĐTT lần thứ VI sẽ tiếp tục lan tỏa sâu rộng trong ngành dệt may, tạo sự ổn định trong quan hệ lao động của các doanh nghiệp tham gia, tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài của TƯLĐTT cấp ngành. Từ đó sẽ thu hút thêm các doanh nghiệp tham gia thỏa ước. Với bản thỏa ước này, đề nghị Công đoàn DMVN làm tốt một số nhiệm vụ sau: (1) Tăng cường tuyên truyền tới NSDLĐ, các công đoàn cơ sở, đoàn viên, người lao động về lợi ích TƯLĐTT ngành; (2) Tiếp tục có các cơ chế phối hợp giữa 3 bên trong việc tuyên truyền, vận động và mở rộng 100% các doanh nghiệp là thành viên Vitas tham gia thỏa ước lao động tập thể ngành; (3) Phối hợp chuyên môn tổ chức đào tạo nâng cao chất lượng công đoàn tham gia tổ chức hội nghị NLĐ, đối thoại tại nơi làm việc; tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ công đoàn cơ sở kiến thức, kỹ năng đối thoại, kỹ năng thương lượng, nhất là kiến thức và kỹ năng thương lượng tập thể về tiền lương; (4) Tạo lập phần mềm quản lý đoàn viên, tăng cường hoàn thiện các nội dung phúc lợi cho đoàn viên, NLĐ cao hơn trong TƯLĐTT ngành; (5) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện TƯLĐTT ngành tại các doanh nghiệp và đặc biệt tại CĐCS tham gia TƯLĐTT ngành và thường xuyên, định kỳ thực hiện phân loại, đánh giá chính xác, thực chất chất lượng công tác thương lượng tập thể, ký kết và thực hiện TƯLĐTT ngành và các bản TƯLĐTT doanh nghiệp” – bà Trần Thị Thanh Hà nhấn mạnh.
Hiệp hội Dệt May Việt Nam và Công đoàn Dệt May Việt Nam ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) ngành Dệt May Việt Nam lần thứ VI
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Vitas bày tỏ, ngành Dệt May Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức khi tổng cầu dệt may suy giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi, trong khi đó thách thức về sự chuyển dịch lao động, nghỉ việc, rút bảo hiểm xã hội 1 lần đang diễn biến hết sức phức tạp. Đây là điều các DN không mong muốn bởi nó gây ra nhiều hệ lụy, xáo trộn dây chuyền sản xuất, trong khi đó để đào tạo được một lao động lành nghề các DN phải mất vài tháng, thậm chí là 1 năm. Cùng với đó, những thách thức về đánh giá, tiêu chí của khách hàng ngày càng nhiều và mỗi nhãn hàng lại có những quy định khác nhau. Do đó, DN luôn coi NLĐ là tài sản lớn nhất của mình và TƯLĐTT ngành Dệt May Việt Nam lần thứ VI sẽ có những điều chỉnh kịp thời, lấy NLĐ làm trọng tâm cho sự phát triển của DN.
Chủ tịch Vitas bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, các DN là thành viên của Hiệp hội sẽ tham gia nhiều hơn vào TƯLĐTT ngành Dệt May Việt Nam, đặc biệt là các DN hiện nay đang sinh hoạt tại các Liên đoàn lao động địa phương. Cùng với đó, các mô hình hay, cách làm mới trong công tác chăm lo NLĐ cũng cần được nhân rộng và lan tỏa trong toàn hệ thống Công đoàn DMVN. Với những thế hệ lao động trẻ, Chủ tịch Vitas “lưu ý” cách triển khai các chương trình, thiết chế công đoàn cho NLĐ cần phải tư duy hơn, phù hợp hơn với sự năng động của những người trẻ, điều này mới giúp các DN giữ chân và có các lớp lao động kế cận khi cạnh tranh lao động ngày càng gay gắt.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Bà Phạm Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Công đoàn DMVN bày tỏ sự biết ơn, quan tâm, động viên của Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tập đoàn DMVN, sự chia sẻ của Chủ tịch Vitas đại diện cho “giới chủ” văn minh, nhân văn cùng đồng hành với Công đoàn DMVN trong 14 năm với 5 lần ký kết TƯLĐTT cấp ngành. Với TƯLĐTT lần thứ VI này, quan hệ lao động của ngành Dệt May Việt Nam tiếp tục được củng cố, vun đắp, bổ sung theo chiều sâu về quan hệ việc làm, nâng cao công tác quản trị để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Hơn hết, để vượt qua được những áp lực đang hiện hữu của cơ quan quản lý nhà nước về lao động, áp lực về đánh giá của khách hàng, TƯLĐTT sẽ là bộ xương sống để các DN tiếp tục cải thiện môi trường và điều kiện làm việc, nâng cao chất lượng cuộc sống cho NLĐ. Với Công đoàn DMVN, việc quan trọng nhất trong thời gian tới ngoài việc chăm lo cho NLĐ, đảm bảo mối quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ… thì việc mở rộng TƯLĐTT cấp ngành là một nhiệm vụ trọng điểm để NLĐ được hưởng lợi từ thỏa ước này không chỉ giới hạn tại các DN đang sinh hoạt trong Công đoàn DMVN và Vitas, mà cần được nhân rộng ra các DN dệt may đang sinh hoạt tại các Liên đoàn lao động địa phương, nâng cao thêm sức mạnh cho các DN trong toàn ngành.
Quang Nam