Lãi suất điều hành giảm, lãi suất cho vay có giảm
Hôm nay (16.9), các mức điều hành được Nhà nước cắt giảm 0,25%/năm chính thức có hiệu lực. Liệu lãi suất cho vay trong thời gian tới có giảm?
“Vòng kim cô” tỷ lệ
Theo đó, lãi suất (LS) tái cấp vốn còn 6%/năm; tái chiết khấu còn 4%/năm; cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với các ngân hàng (NH) còn 7%/năm; LS chào mua các giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở còn 4,5%/năm. Trước đó, NHNN đã giảm LS tín phiếu từ 3% xuống 2,75%.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Học viện , nhận xét động thái giảm LS của NHNN vừa qua đáng khích lệ trong bối cảnh các nước đồng loạt giảm LS điều hành. Tuy nhiên có lẽ NHNN quá thận trọng nên đưa ra quyết định giảm LS khá chậm thay vì đưa ra cách đây nhiều tháng trước. Thực tế, LS điều hành của NHNN đã đứng yên quá lâu ở mức cao, trong khi môi trường liên tục thay đổi, đặc biệt lạm phát trong nước cũng ở mức thấp thời gian dài.
Trả lời câu hỏi, động thái giảm LS điều hành có dẫn đến nới lỏng hay không, ông Nguyễn Đức Độ cho rằng cần thêm thời gian theo dõi. LS giảm thì chắc chắn không thắt chặt tiền tệ nhưng để đánh giá có “nới lỏng” hay không, cần xem động thái nới tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của NHNN. NHNN hiện kiểm soát tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế khoảng 14%, cấp hạn mức tín dụng cho từng NH, kiểm soát tín dụng của từng lĩnh vực. Khi các NH thương mại tăng trưởng tín dụng đụng tỷ lệ được cấp sẽ cân nhắc hơn khi cho vay. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ còn liên quan đến việc kiểm soát nợ xấu trong hệ thống NH không tăng.
Nhận xét về quyết định giảm LS điều hành của NHNN, theo ông Đào Hồng Châu, Phó tổng giám đốc NH TMCP xuất nhập khẩu VN (Eximbank), điều này sẽ làm tâm lý gửi tiền LS cao của nhiều khách hàng trên thị trường giảm, hỗ trợ cho các NH thương mại giảm chi phí. Tuy nhiên LS cho vay có giảm hay không còn phụ thuộc vào nhu cầu vốn của nền kinh tế. Tốc độ huy động và cho vay trong 8 tháng qua tăng trưởng gần như bằng nhau. Trong khi nguyên lý giảm LS thì cung tiền tăng, tín dụng tăng. Vấn đề khó của các NH là làm sao giảm LS mà không tăng tín dụng, đặc biệt vào lĩnh vực .
LS cho vay cần giảm mới có tác dụng
TS Nguyễn Đức Độ đánh giá: LS điều hành giảm hiện hỗ trợ các NH thương mại thanh khoản là chính. Còn đối với nền kinh tế có giảm hay không, phụ thuộc vào LS giao dịch của các NH trên thị trường liên NH và huy động tiết kiệm từ cá nhân, tổ chức. Hiện nay với mức LS huy động của các NH ở mức 7 – 10%/năm, LS giao dịch trên thị trường liên NH từ 4 – 5%/năm, cao hơn nhiều so với chỉ số giá (CPI). Bình quân CPI 8 tháng đầu năm tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2018, mức tăng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, thế nên TS Độ cho rằng, đây là cơ sở để LS điều hành cần giảm hơn nữa trong thời gian tới.
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, lại cho rằng việc giảm LS điều hành là động thái nới lỏng chính sách tiền tệ, hay nói đúng hơn là nới lỏng tín dụng. Nhưng nó chỉ có ý nghĩa khi giảm LS cho vay đối với khách hàng, đưa nguồn vốn thấp vào nền kinh tế. Nhu cầu vốn của các hiện nay cao, nhất là vốn trung dài hạn. Điều này thể hiện qua việc ồ ạt phát hành trái phiếu, nhất là các doanh nghiệp bất động sản, có đơn vị đẩy LS trái phiếu lên 14%/năm. “Lạm phát trong nước chững lại ở mức thấp hơn dự kiến, như vậy có thể NHNN tạo điều kiện cho DN đẩy mạnh hoạt động sản xuất , đặc biệt là xuất khẩu. Giảm LS điều hành làm cho tỷ giá tăng lên chút ít trong bối cảnh thương mại toàn cầu giảm mạnh là cần thiết”, TS Nghĩa nói.
Với đó, ông Nghĩa đánh giá, đợt giảm LS điều hành của NHNN lần này xem ra khá khiêm tốn, thăm dò thị trường nên khả năng chưa có hiệu ứng mạnh đến giảm LS cho vay, hỗ trợ kinh tế tăng trưởng. Do đó từ nay đến cuối năm, NHNN nên giảm thêm một lần nữa với mức khoảng 0,25%. Trong trường hợp LS cho vay giảm dẫn đến nhu cầu vay tăng cao, ông Nghĩa kiến nghị nới tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế từ 14% lên 16,5 – 17% là phù hợp. Mức này có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cho những năm sau, đề phòng suy giảm kinh tế toàn cầu xảy ra theo tính chu kỳ và VN nên có động thái hỗ trợ các DN, nền kinh tế ngay bây giờ.
Theo thanhnien.vn