Ngành may mặc bị ảnh hưởng như thế nào bởi CSDDD?
Giai đoạn đầu tiên của việc thực hiện Chỉ thị thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp (CSDDD) có thể diễn ra sớm nhất vào năm 2027, vì vậy Cascale (Liên minh phi lợi nhuận toàn cầu) và Worldly (nền tảng thông minh về tác động môi trường, giúp các công ty theo dõi và cải thiện tính bền vững của chuỗi cung ứng và sản phẩm được phát triển bởi Cascale) đang khuyến nghị các công ty thời trang bắt đầu chuẩn bị các chương trình thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp.
Hội đồng EU đã chính thức thông qua văn bản CSDDD ngày 24/5/2024. Một trong những thay đổi quan trọng nhất trong bản thỏa thuận CSDDD cuối cùng là thu hẹp phạm vi. CSDDD sẽ áp dụng cho cả các công ty EU và ngoài EU có ít nhất 1.000 (trước đây là 500) nhân viên và doanh thu ròng tại EU là 450 triệu EUR (trước đây là 150 triệu EUR) (~488 triệu USD) trở lên. Để CSDDD áp dụng cho các công ty ngoài EU, doanh thu ròng 450 triệu EUR phải được tạo ra trong Liên minh. Trong khi bản dự thảo ban đầu của CSDDD bao gồm các công ty nhỏ hơn trong các ngành có khả năng cao phải đối mặt với xung đột về nhân quyền hoặc môi trường, thì phần lớn các thương hiệu dệt may, may mặc và giày dép làm việc với nhiều nhà sản xuất và nhà cung cấp nhỏ hơn sẽ không nằm trong phạm vi áp dụng của chỉ thị. CSDDD không còn nhắm mục tiêu riêng vào ngành dệt may, do đó Ủy ban EU cần ban hành các hướng dẫn cụ thể cho từng ngành để các công ty quản lý rủi ro trong ngành của họ.
CSDDD yêu cầu các công ty thời trang phải thực hiện các biện pháp thẩm định cần thiết đối với hoạt động trực tiếp, các công ty con cũng như các đối tác kinh doanh gián tiếp của mình thông qua chuỗi hoạt động. Chuỗi cung ứng của ngành thường rất phức tạp và phân tán qua nhiều khu vực địa lý, đòi hỏi thời gian và đầu tư tài chính đáng kể để đảm bảo tuân thủ các quy định.
Thực tế hiện nay, doanh nghiệp cần có sự hiểu biết sâu rộng và chi tiết hơn về toàn bộ chuỗi cung ứng của mình để đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định và đạt được các mục tiêu bền vững. Các quy trình quản lý truyền thống không đáp ứng được yêu cầu về việc theo dõi và phân tích các yếu tố như chuỗi hành trình sản phẩm và lượng phát thải carbon phạm vi 3. Các thương hiệu thời trang và nhà bán lẻ phải đầu tư vào “các giải pháp số hóa mạnh mẽ hướng tới hiệu quả và tính bền vững”. Yếu tố then chốt cho sự thành công trong các sáng kiến ESG là khả năng đồng bộ hóa với các nhà cung cấp, từ nguyên liệu thô đến logistics. Sử dụng nền tảng số hóa đa doanh nghiệp giúp thực thi tiêu chuẩn bền vững, theo dõi tiến độ và thúc đẩy hợp tác. Điều này cho phép báo cáo chính xác và minh bạch về hiệu suất bền vững và các kế hoạch hành động khắc phục của nhà cung cấp.
Báo cáo nhấn mạnh rằng CSDDD có thể dẫn đến việc các thương hiệu và nhà bán lẻ ngừng hợp tác với các đối tác có rủi ro cao, đặc biệt là từ các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn như Trung Quốc, Bangladesh, Việt Nam, và Ấn Độ, nơi có quy định về môi trường và lao động ít nghiêm ngặt hơn. Để chuẩn bị cho các thay đổi theo CSDDD, dự kiến bắt đầu từ năm 2027, Cascale và Worldly khuyến khích các doanh nghiệp sớm triển khai kế hoạch thẩm định doanh nghiệp. Các bước chuẩn bị bao gồm phát triển kế hoạch nguồn nhân lực, lập bản đồ chuỗi hoạt động của công ty, xem xét các hợp đồng chuỗi cung ứng hiện có, đối chiếu dữ liệu về hiệu suất môi trường và xã hội của công ty để phục vụ mục đích giám sát. Họ cũng kêu gọi triển khai lập bản đồ chuỗi cung ứng với các công cụ dữ liệu để theo dõi hiệu suất phát triển bền vững.
Kim Phượng
Nguồn: