Nghệ thuật đính đá quý của Rolex: Tinh khiết và sáng ngời
Với kỹ thuật đính đá thượng thừa, được chăm chút vô cùng kỹ lưỡng bởi bàn tay nghệ nhân, những viên đá quý do Rolex lựa chọn đã mang đến cho những chiếc đồng hồ xa xỉ của thương hiệu một uy danh không gì có thể sánh được.
NHỮNG VIÊN ĐÁ QUÝ HIẾM CÓ
Rolex chỉ sử dụng những loại đá quý có chất lượng cao nhất để tô điểm cho chiếc đồng hồ của mình: kim cương, ruby, sapphire và ngọc lục bảo. Các tiêu chí và quy trình để lựa chọn những viên đá quý tự nhiên này rất khắt khe. Mỗi viên đá quý đều được kiểm tra chặt chẽ bởi bộ phận giám định riêng của Rolex, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các thông số kỹ thuật do thương hiệu quy định.
Các loại kim cương và đá quý có chất lượng cao nhất do Rolex lựa chọn. Ảnh: Rolex
Để đảm bảo chất lượng đá quý, các nhà giám định đá quý của Rolex được tùy ý sử dụng một loạt công cụ phân tích tinh vi kết hợp với chuyên môn của riêng họ. Những công cụ này – tương tự những công cụ thường thấy trong các phòng kiểm nghiệm đá quý độc lập hoặc đôi khi được phát triển riêng cho Rolex – cho phép các chuyên gia kiểm tra thành phần hóa học của đá quý, ví dụ như chất lượng kim cương sẽ được kiểm định một cách có hệ thống thông qua ảnh chụp X-quang.
ĐỘ TINH KHIẾT, MÀU SẮC VÀ KÍCH THƯỚC
Về độ tinh khiết, Rolex chỉ chọn những loại đá quý tự nhiên bán trong suốt theo tiêu chuẩn cao nhất. Đối với kim cương, chỉ loại IF (hoàn mỹ ở bên trong) mới được chọn. Đây là mức độ thuộc loại cao nhất trong thang đánh giá độ trong thường được dùng trong giám định đá quý.
Vành đồng hồ đính kim cương. Ảnh: Rolex
Màu sắc của một viên đá quý luôn được đánh giá bằng mắt thường và phải là phán đoán thẩm mỹ của những người dày dạn kinh nghiệm. Trong quá trình thẩm định, các chuyên gia đá quý so sánh những viên đá được kiểm tra với viên đá chủ đã được chứng nhận. Kim cương phải thuộc từ loại D đến G – các hạng cao nhất trên thang màu của Viện Đá quý Hoa Kỳ. Với các loại đá quý màu như ruby, sapphire và ngọc lục bảo, Rolex đặc biệt chú trọng việc đảm bảo các viên đá trên một chiếc đồng hồ phải có cùng dải màu. Yêu cầu này được đảm bảo thông qua một quá trình phân loại mất nhiều thời gian, được thực hiện bằng tay, từng viên một, trong các xưởng của Rolex.
Mặt đồng hồ phủ họa tiết bươm bướm bằng xà cừ và 262 viên kim cương. Ảnh: Rolex
Phương thức cắt đá quý – theo tính đối xứng và hình dáng mặt đá – sẽ quyết định cách ánh sáng xuyên qua và phản chiếu tại các đỉnh hoặc đáy của viên kim cương. Do đó, đường cắt ảnh hưởng trực tiếp đến độ sáng và lấp lánh của đá quý. Một viên đá quý được cắt tốt sẽ làm nổi bật cường độ và số lượng phản xạ, tạo nên màu cầu vồng bên trong viên đá. Rolex thường sử dụng đá cắt dạng brilliant (hoặc full cut), 8/8, baguette hoặc trapeze.
Vành đồng hồ đính kim cương. Ảnh: Rolex
NGHỆ THUẬT ĐÍNH ĐÁ QUÝ
Sau khi được chuyên gia thẩm định thông qua, những viên đá quý này được ủy thác cho các nghệ nhân đính đá – những bậc thầy về nghệ thuật và thành thạo nhiều kỹ thuật khác nhau thuộc chuyên môn của họ: bead setting (cố định đá bằng 2 ngạnh kim loại), channel setting (cố định đã theo rãnh), bezel setting (cố định đá bằng cách bọc xung quanh một tấm kim loại mỏng), prong/claw setting (cố định đá bằng 4 ngạnh kim loại). Bên cạnh chất lượng vốn có của từng viên đá, một số tiêu chí khác cũng góp phần tạo nên danh tiếng cho nghệ thuật đính đá của Rolex: sự căn chỉnh chính xác chiều cao của các viên đá, hướng và vị trí của chúng, độ chắc chắn, đều đặn và tính thẩm mỹ trong quá trình đính cũng như bề mặt hoàn thiện.
Nghệ thuật đính kim cương trên dây đồng hồ đeo tay. Ảnh: Rolex
Hoàng Hân (tổng hợp)