Quyết định khó khăn về khẩu trang của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng hai Thứ trưởng Bộ Y Tế vừa có cuộc trả lời phỏng vấn trực tuyến với người dân vào ngày 22/1/2021. Trong đó, quyết định về việc đeo khẩu trang vải khi ra nơi công cộng cũng là một quyết định không hề dễ dàng.
Chúng ta cùng lắng nghe chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về vấn đề này.
– Không biết Phó thủ tướng có còn nhớ sau Tết chỉ mấy ngày người dân chúng tôi đã khốn khổ vì khẩu trang. Người người đổ ra đường săn lùng để mua bằng được khẩu trang y tế. Con gái tôi còn suýt bị đánh vì chen chân mua khẩu trang. Như vậy nghĩa là chúng ta không dự báo được trước. Thêm nữa là chuyện khẩu trang vải. Lúc thì bảo không được, lúc thì bảo được. Thế tức là chính phủ, bộ y tế đã không có sự hướng dẫn rõ ràng. Là trưởng ban chỉ đạo Quốc gia, ông có thấy mình đã có lúc lúng túng và thiếu khoa học khi thông tin về tác dụng của khẩu trang, khiến đời sống người dân bị một phen chao đảo? (câu hỏi của Phạm Hồng Hà, TP HCM).
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Tôi rất nhớ. Đó chính là một trong những vấn đề đau đầu không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới.
Khi đó thế giới vẫn tranh cãi là khẩu trang có phải là biện pháp chống dịch tốt không thì chúng ta đã khẳng định là có, và coi đeo khẩu trang là cần thiết, là hiệu quả. Khẩu trang lúc đó hiểu là khẩu trang y tế.
Vấn đề là không có đủ khẩu trang vì công suất của các nhà máy không đủ để mọi người cùng dùng, công suất mỗi ngày lúc đó chỉ vài triệu chiếc. Quan trọng hơn là vật liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc mà lúc đó thì Trung Quốc cũng không có để xuất khẩu nữa.
Vì thế tôi nghĩ ngay tới việc dùng khẩu trang vải thay thế. Nhưng anh em chuyên gia y tế phản đối vì cho rằng khẩu trang vải không những không ngăn được virus mà đeo còn nguy hiểm hơn. Chuyên gia nói vấn đề là ngăn giọt bắn nên lớp ngoài cùng phải là chuyên dụng. Ngăn giọt bắn mà vẫn không bí. Vải không đáp ứng được. Cuộc tranh luận gay gắt, kéo dài.
Lúc đó tôi đã yêu cầu đồng chí Thứ trưởng Bộ Công thương và đồng chí Chủ tịch Tập đoàn Dệt May Việt Nam cấp tốc chỉ đạo sản xuất. Các đồng chí này rất tích cực, cho may thử nhưng không dám cho may nhiều vì phải đợi văn bản chấp thuận chuyên môn của Bộ Y tế. Chuyên gia và các đơn vị chức năng thì căn cứ các quy định nghiêm ngặt vốn có của ngành y nên không ban hành được tiêu chuẩn, quy chuẩn. Cuối cùng tôi phải dùng mệnh lệnh hành chính để có văn bản về khẩu trang vải. Thậm chí để tuyên truyền người dân đeo khẩu trang vải tôi còn phải nhờ chị Nguyễn Thị Xuyên, nguyên thứ trưởng y tế, hiện là Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam trực tiếp lên truyền hình hướng dẫn để nhân dân tin.
Sau này có nước còn phải khuyến nghị người dân chỉ cần có cái khăn che miệng cũng tốt. Nếu chỉ khuyến nghị đeo khẩu trang y tế trong khi không có đủ khẩu trang thì sẽ hết sức phức tạp không chỉ cho chống dịch mà cho cả xã hội.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong cuộc phỏng vấn trực tuyến
– Tôi là người làm trong lĩnh vực vật tư y tế. Trước hết tôi khẳng định là tôi đánh giá rất cao Ban chỉ đạo. Tuy nhiên, có một chuyện tôi không phục ông là chuyện ông yêu cầu rút giấy phép nơi nào tăng giá bán khẩu trang. Việc đó là duy ý chí, phi quy luật cung cầu. Hơn nữa ông còn ép phải dùng khẩu trang vải, dọa cách chức Vụ trưởng vì không ra văn bản đồng ý dùng khẩu trang vải. Xin hỏi thẳng ông, có phải vì lợi ích của doanh nghiệp dệt may nên ông đã chỉ đạo hạ mức an toàn của người dân? (Tố Đình Cương, Đà Nẵng)
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Tôi cám ơn bác đã hỏi thẳng. Tôi đã trả lời trước rồi. Không có chuyện hạ mức an toàn của người dân mà ngược lại quyết định đó chính là vì an toàn của người dân. Không dùng khẩu trang vải trong khi không có đủ công suất máy móc, nhất là không có nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế thì sự an toàn của người dân thế nào? Hơn nữa thực tế ngày nay khẩu trang vải không chỉ Việt Nam mà cả thế giới cũng dùng. Cũng cần nói rõ thêm là khẩu trang vải ở đây là khẩu trang vải kháng khuẩn được may đúng quy cách.
Nói về lợi ích doanh nghiệp thì tôi khẳng định là tôi có tính tới chứ. Nhưng đó không phải lợi ích nhóm theo nghĩa xấu mà là vì lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam. Thời điểm đó ngành dệt may đình trệ hết, ngành dệt may được dự báo tương lai ảm đạm. Nếu may khẩu trang vải xuất khẩu được thì cũng đỡ chứ. Lúc đó, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã kết nối với khách hàng Nhật Bản để may khẩu trang xuất khẩu sang Nhật. Chỉ cần Bộ Y tế bật đèn xanh là ký được hợp đồng. Sau đó thì chúng ta xuất khẩu được đi Nhật và các nước. Chúng tôi còn đề nghị Bộ Ngoại giao viện trợ khẩu trang cho các nước, trong đó cũng đưa một phần khẩu trang vải vào. Ngày nay thì cả thế giới cũng đều đeo khẩu trang vải có thể giặt lại.
Chuyện tôi yêu cầu rút giấy phép nhà thuốc tăng giá bán khẩu trang thì khi đó tôi cũng nghe có ý kiến phản đối. Nhưng yêu cầu đó là rất cần thiết vào thời điểm đó. Tôi nhớ là tôi đã nói rõ vấn đề không chỉ là pháp luật mà còn là đạo đức, đạo lý. Một nguyên nhân của chống dịch thành công và cũng là một giá trị cộng thêm của thành qủa chống dịch là chúng ta đã khơi dậy được giá trị tốt đẹp trong toàn xã hội. Yêu thương nhau hơn. Chia sẻ với nhau nhiều hơn. Hơn nữa, trong điều kiện chống dịch và khan hiếm như thế thì tôi nghĩ đừng quá đặt nặng những lý thuyết cung cầu thị trường. Thái độ của những người có trách nhiệm trước những vấn đề, ở những thời điểm như vậy rất quan trọng để mọi người dân, doanh nghiệp định hướng lại hành vi của mình.
Tôi đến giờ vẫn nghĩ hành động của mình rất cần thiết.