Tác dụng khử mùi mồ hôi của hương chanh tỏa ra từ vật liệu dệt
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Minho ở Bồ Đào Nha đã biến tính vải cotton để tỏa ra mùi chanh khi tiếp xúc với mồ hôi. Một bài viết đăng trên trang sportstextiles.com cho biết Carla Silva, Artur Cavaco-Paulo và các đồng nghiệp đã có ý tưởng phát triển hai cách tiếp cận để giải phóng citronellol, một mùi hương có trong cây sả chanh được sử dụng trong một số loại thuốc chống côn trùng.
Cách tiếp cận đầu tiên liên quan đến một protein liên kết mùi (OBP) được tìm thấy ở mũi lợn, loại protein này liên kết β-citronellol và các phân tử mùi khác. Các nhà nghiên cứu đã gắn một chuỗi protein, được gọi là mô đun liên kết carbohydrate (CBM), để liên kết với bông.
Trong cách tiếp cận thứ hai, các nhà nghiên cứu đã thu hương thơm vào trong các túi liposome có gắn các mô đun liên kết carbohydrate CBM, các túi này giữ các chất mang lipid và hương thơm vào vải. Nhóm nghiên cứu đã nhúng các loại vải cotton biến tính vào dung dịch mồ hôi nhân tạo có tính axit và độ pH thấp của dung dịch mồ hôi khiến OBP và liposome giải phóng β-citronellol.
Các nhà nghiên cứu cho biết: So sánh hai hướng tiếp cận cho thấy OBP đã giải phóng mùi hương nhanh chóng, trong khi các túi liposome tỏa hương chậm hơn và có thể kiểm soát. Các túi liposome cũng có thể giữ nhiều hương thơm hơn so với phương pháp khác. Hai cách này có thể được sử dụng cho nhiều loại quần áo khác nhau.
Người dịch: Võ Thị Lan Hương