Thiết kế tuần hoàn là thiết kế có tính ứng dụng
Với chiến lược về dệt may bền vững, Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu ngay từ khâu thiết kế phải đảm bảo là thiết kế sinh thái và quá trình sản xuất cũng như tiêu dùng phải đảm bảo là tiêu dùng bền vững. Cùng với đó, sản xuất tiêu dùng nhanh sẽ được thay thế bằng sản xuất tiêu dùng bền vững.
Từng theo học tại Vương quốc Bỉ ngành thời trang, tiếp cận sớm với những yêu cầu bức thiết về giảm ô nhiễm môi trường, Nhà thiết kế Vũ Phương Anh- Thiết kế trưởng của Tổng Công ty Đức Giang- CTCP (Dugarco) nhận định, một thiết kế có tính tuần hoàn phải là một thiết kế có tính ứng dụng, có thể biến hoá và thay đổi kiểu dáng cũng như phối được với nhiều sản phẩm khác.
Theo nhà thiết kế trẻ, thiết kế xanh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như, tư duy thiết kế, cách sử dụng chất liệu và tính thực tiễn của sản phẩm. Một nhà thiết kế để hiểu được những yếu tố này cần phải có sự gắn kết với quy trình sản xuất. Tại Dugarco, với lợi thế được làm việc trực tiếp với quy trình sản xuất nên các nhà thiết kế hiểu rất rõ các công đoạn để có thể giảm thiểu chi phí và tận dụng được các nguyên liệu. Do đó, các nhà thiết kế phải có kiến thức về chất liệu xanh, cấu trúc cắt rập để đưa ra những thiết kế tối ưu trên cả hai phương diện thẩm mỹ thời trang và giá cả sản xuất.
“Muốn sản phẩm có giá tốt và thân thiện môi trường, các nhà thiết kế phải nghiên cứu bắt đầu từ công đoạn lên ý tưởng, ví dụ như: giảm thiểu những nguyên phụ liệu không thân thiện môi trường và các chi tiết không có tính ứng dụng cao trên sản phẩm. Tận dụng phương pháp cắt rập không lãng phí, sử dụng lại những mẫu giấy và mẫu thiết kế prototype cũ để sáng tạo ra những mẫu mới. Ngoài ra, việc sử dụng các chương trình may mẫu 3D và thực tế ảo sẽ giúp các nhà thiết kế tiệm cận hơn với thời trang xanh, giảm thiểu chi phí và tăng tính sáng tạo”- Thiết kế trưởng Vũ Phương Anh nhìn nhận.
Với thời trang bền vững, thương hiệu sẽ tập trung vào việc mang đến các sản phẩm sử dụng chất liệu xanh, chất liệu hữu cơ hay tái chế, hoặc cắt giảm những chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất và vận chuyển, thì thời trang tuần hoàn lại tập trung vào việc kéo dài tuổi thọ của vật chất, của sản phẩm, nhằm loại bỏ mọi tác động tiêu cực đến môi trường. Trong đó, nhiều tác động và chi phí môi trường là kết quả của quyết định được đưa ra trong giai đoạn thiết kế đòi hỏi các nhà thiết kế cần phải hướng đến tư duy thời trang tuần hoàn theo xu hướng mới.
NTK Vũ Phương Anh chia sẻ, tư duy thời trang tuần hoàn của tôi xuất phát từ cách xử lý chất liệu và xây dựng cấu trúc thiết kế. Một thiết kế có tính tuần hoàn đối với tôi phải là một thiết kế có tính ứng dụng, có thể biến hoá và thay đổi kiểu dáng cũng như phối được với nhiều sản phẩm khác. Ngay từ khâu thiết kế, phương pháp zero-wasted ( lối sống “không rác thải”) luôn là kim chỉ nam để tôi tạo ra các sản phẩm của mình. Sáng tạo với tất cả những gì mình sẵn có trong tay và biến đổi những thiết kế cũ…
Thời trang thế giới đang xuất hiện khái niệm “đồng sáng tạo”, coi đó là sản phẩm có tuổi thọ lâu bền nhất. Đây là cách thu hút người tiêu dùng tham gia thiết kế quần áo của riêng họ, mang đến cho người tiêu dùng cơ hội duy nhất để tạo ra những sản phẩm mà họ sẽ giữ lâu hơn bằng cách cộng tác với các thương hiệu thông qua một số nền tảng kỹ thuật.
Nhìn nhận về xu hướng này, NTK trẻ cho rằng, việc người tiêu dùng có thể tạo ra các họa tiết và sản phẩm cá nhân sẽ tốt hơn về mặt hiệu ứng truyền thông nhưng lại không mang lại mặt tốt về môi trường. Việc ra đời một sản phẩm thời trang nhanh và dễ dàng khiến người tiêu dùng không có ý thức về môi trường. Thực tế cho thấy các sản phẩm in theo dạng personalized có chất lượng không cao, các chất liệu sử dụng khó tái chế và thường được dùng theo kiểu “mì ăn liền”, không có tính bền vững.
Còn với phương pháp thiết kế Cradle-to-Cradle (từ “nôi-đến-nôi” – thiết kế có tính đến yếu tố tuần hoàn), Vũ Phương Anh bày tỏ, phương pháp thiết kế Cradle-to Cradle ở thời điểm này vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận. Với tính chất sản xuất gia công, phần lớn nguyên phụ liệu doanh nghiệp dệt may sử dụng phụ thuộc rất nhiều vào sự chỉ định của khách hàng. Ngoài ra, việc tìm kiếm nguyên liệu có thể tái chế 100% vẫn đang là bài toán khó của ngành dệt may.
Nhà thiết kế trẻ cho biết: Tại Dugarco, đội ngũ thiết kế luôn hướng đến thời trang xanh từ những bước đầu lên ý tưởng. Tất cả các mẫu thiết kế mới được phát triển từ nguồn vải thừa, vải có sẵn trong kho. Các mẫu phát triển được tái sử dụng một cách tối ưu để vừa khơi gợi sự sáng tạo của các nhà thiết kế, vừa để các nhà thiết kế có tư duy thường nhật về thời trang tuần hoàn.
Trong tương lai, với sự ra đời của Không gian thực tế ảo Dugarco Creative, team thiết kế và sourcing của Dugarco sẽ có thêm các dự án nghiên cứu về chất liệu tái chế Cradle-to Cradle.
Bài: Hoàng Anh