Thời điểm đưa ra những quyết định
Cân bằng giữa các lựa chọn
Trong cuộc sống, chúng ta luôn phải đưa ra quyết định. Đối với một số người thì đó là việc đơn giản nhưng với số khác thì đắn đo do dự. Yếu tố khoa học nào đứng sau sự do dự, thiếu quyết đoán và đâu là cách chúng ta có thể vượt qua?
Cân bằng những lựa chọn của bạn
Bạn đã bao giờ cảm thấy hoang mang khi có quá nhiều thông tin hoặc lo lắng thái quá khi chuẩn bị phải quyết định một việc gì đó hay chưa? Hiện tượng này được các nhà khoa học gọi là “tê liệt phân tích – analysis paralysis”, ám chỉ não bộ đã bị choáng ngợp bởi quá nhiều khả năng khác nhau xảy ra, khiến chúng ta không thể đi tới kết luận.
Khi não bộ phải suy nghĩ và phân tích quá nhiều dữ liệu sẽ khiến chúng ta rơi vào những trường hợp sau:
+ Giảm năng suất và sự quyết đoán do quá nhiều áp lực, trí nhớ bị quá tải, ảnh hưởng tới sự nhạy bén của bản thân.
+ Suy nghĩ quá nhiều khiến bản thân mất đi sự sáng tạo. Một nghiên cứu vào năm 2015 tại trường Đại học Stanford đã chỉ ra rằng, sự sáng tạo của những người tham gia nghiên cứu này đã phát huy rõ nhất vào lúc thùy trán (trung tâm của những suy nghĩ lý tính) ít hoạt động hơn so với tiểu não (nơi chỉ đạo hoạt động và sự di chuyển).
+ Suy giảm hạnh phúc bởi sự cầu toàn. Theo nghiên cứu của nhà kinh tế học Herbert Simon, Con người hoặc là thuộc nhóm “thỏa mãn”, hướng đến những thứ “tốt vừa đủ” , hoặc thuộc nhóm người “tối đa hóa” luôn muốn đưa ra quyết định tốt nhất. Người “tối đa hóa” dường như ít hạnh phúc, thiếu tự trọng và thường hối tiếc với quyết định của mình hơn là nhóm “thỏa mãn”.
Theo một nghiên cứu vào năm 2010 tại các nước như Mỹ, Trung Quốc, Nam Phi, Anh và Úc, dân công sở trung bình sử dụng 51% thời gian của họ để tiếp nhận và sắp xếp thông tin hơn là làm công việc của họ.
Hướng đến mục tiêu
Nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc tự ra quyết định một việc gì đó, hãy thử một số phương pháp sau:
+ Tưởng tượng bạn đang hỏi ý kiến một người bạn của mình. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chúng ta thường cảm thấy khó khăn trong việc phải ra quyết định khi tâm trạng bất ổn. Nếu bạn khiến cho mọi thứ trở nên thật nhẹ nhàng và thoải mái thì quyết định của bạn cũng sẽ trở nên sáng suốt hơn.
+ Giới hạn thông tin. Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Princeton và Standford nhận thấy rằng, quá tải thông tin là nguồn cơn khiến con người không thể tự quyết định được mọi việc. Do đó, bạn cần phải giới hạn thông tin để có thể đưa ra được những quyết định tốt hơn.
+ Nhận ra một việc là “nghiễm nhiên” không có nghĩa là “luôn luôn sẽ như vậy”. Một nghiên cứu vào năm 2009 của 2 nhà tâm lý học Ralph Hertwig và Ido Erev đã chỉ ra rằng, chúng ta thường dành quá nhiều tâm sức cho những việc nghiễm nhiên phải làm hàng ngày và ít khi nghĩ đến những trường hợp hiếm khi xảy ra. Đừng quên rằng thời thế có thể thay đổi.
+ Đừng tốn thì giờ vào những chuyện nhỏ nhặt. Nếu mọi việc trôi qua giống nhau từ năm này sang năm khác thì việc đó không đáng để bạn phải bận tâm và dồn công sức vào những việc đó.
+ Đi theo kế hoạch đã định sẵn. Nếu bạn chưa thể quyết định được một công việc nào đó, cách đơn giản nhất là, bạn phải hoàn thành nó vào một ngày cụ thể mà bạn đã định sẵn.
Những quyết định đôi khi như một thử thách đối với chúng ta, tuy nhiên nếu chúng ta giữ vững lập trường thì việc đó sẽ trở nên rất dễ giải quyết.
Bạn có phải là người theo “chủ nghĩa duy lý”?
Bạn là người nghe theo con tim hay chọn lý trí? Hai kiểu người khác nhau cũng sẽ dẫn tới những kiểu thành công khác nhau.
Người dịch: Hoàng Hân