THỜI TRANG SẼ TRỞ VỀ PHỤNG DƯỠNG MẸ ĐẤT
Đại dịch Covid-19 đã và đang tạo nên một thế giới hoàn toàn mới. Và thời trang, vốn là thứ nhạy cảm nhất trong các ngành kinh tế, càng thay đổi nhanh hơn để thích ứng, để dẫn dắt lối sống xã hội. Vậy thời trang sau đại dịch sẽ ra sao?
Chúng ta cùng trò chuyện trực tuyến với một nhà thiết kế Việt Nam, từng thành công trong việc nâng áo dài truyền thống thành món hàng thời trang xa xỉ bậc nhất, nhà thiết kế áo dài Lan Hương, để xem chị có tiếp tục truyền lửa, dẫn dắt xu hướng áo dài truyền thống tới đây như thế nào?
Thưa chị, trong những ngày cả thế giới thời trang lao đao, có phần náo loạn vì đại dịch, thì chị làm gì và có những suy tư ra sao?
Bạn biết không, tôi đang làm vườn, chăm sóc cây và hoa. Những bông hoa tháng Tư vẫn hồn nhiên đua nở, đầy sức sống, và tôi học được nhiều từ sức sống cỏ cây. Thực ra, từ giữa tháng 2/2020, khi đại dịch bắt đầu phát tác ra nhiều vùng trên thế giới, kể cả các nơi hiện đại, giàu có, văn minh nhất, thì tôi đã nhìn ra câu chuyện dài kỳ sau đại dịch. Ngoài những tác động tiêu cực mà Covid-19 gây ra cho loài người, thì tôi còn thấy ý nghĩa tích cực, đó là mình cần chững lại, tư duy, xoay chuyển tư tưởng trong cuộc sống, nhìn nhận chân giá trị cuộc sống. Tôi tin là nhờ Covid-19 mà nhiều người biết trân quý những giá trị thực sự hiện hữu ngay bên mình, mà lâu nay, vì vòng xoáy phát triển gấp gáp, đã vô tình bỏ qua, hoặc lãng quên, phủ nhận, đó là tình cảm gia đình, tình yêu với quê hương, đất nước, với thiên nhiên cây cỏ quanh mình.
Tôi thấy rằng chị khá bình tĩnh và biết tận hưởng an yên ngay trong khủng hoảng, bí quyết nào khiến chị vững tâm như vậy?
Thực ra, tôi bắt buộc phải sống với con “virus” trong người mình lâu rồi. Nó đã thâm nhập từ rất lâu và tôi đã quen với nó, biết cách chung sống hài hòa với “virus”. Đó là sản phẩm của thiên nhiên tạo ra, và thực chất thì con người cũng do thiên nhiên tạo ra. Mỗi đứa con của mẹ thiên nhiên tạo ra, đều có chỗ của mình trên trái đất này, vũ trụ này. Tôi hiểu điều đó nên luôn cởi mở, sẵn sàng đón nhận mọi điều. Tâm thức của tôi không cần chiến đấu, mà chỉ cần yêu thương và sống đẹp đẽ, như thế mà có an yên.
Cảm ơn chị chia sẻ bí quyết sống tích cực này. Vậy chúng ta trở lại với chủ đề áo dài sau Đại dịch. Chị là một Nghệ nhân áo dài do Nhà nước phong tặng, chị cũng từng tạo nên xu hướng thiết kế áo dài truyền thống bằng chất lụa tơ tằm thêu tay, thành công trong dòng áo dài xa xỉ bậc nhất. Vậy việc thiết kế áo dài, dẫn dắt xu hướng áo dài của chị sẽ thay đổi thế nào khi nền kinh tế chung sụt giảm và túi tiền người tiêu dùng xẹp đi?
Phát triển bền vững áo dài truyền thống là sứ mệnh của tôi, là trách nhiệm lớn lao mà Tổ nghề trao cho tôi. Tôi kích hoạt xu hướng áo dài truyền thống xa xỉ, không mục đích kiếm tiền, mà với mong muốn nâng cao vị thế áo dài, tạo nên câu chuyện hấp dẫn bất tận về áo dài truyền thống và bán được câu chuyện giá trị đó. Tôi hạnh phúc vì xu hướng đó có nhiều nhà thiết kế cùng gia nhập, và có người thậm chí đã thành công hơn cả tôi, tiếp tục nối dài câu chuyện giá trị ấy với những chương bất ngờ. Sau đây, tôi sẽ có những đổi mới, sẽ có những bộ sưu tập áo dài xa xỉ, giá trị cao, nhưng lại hợp túi tiền người tiêu dùng, và những giá trị mà người tiêu dùng được hưởng thêm, là điều tôi cống hiến cho cộng đồng, trao tặng vẻ đẹp đó, biến những điều không thể thành có thể.
Tôi có thể hiểu là chị đang tự mang đến thách thức khó hơn cho mình?
Trong hai thập kỷ thực hiện sứ mệnh với áo dài, tôi đã đi từ không tới có, từ cái nhỏ chuyển hóa thành cái lớn, cho nên, sau khủng hoảng đại dịch, tôi tin rằng mình sẽ thực hiện được ý tưởng mới khó khăn hơn, thách thức hơn. Đó là ngoài áo dài bằng chất liệu tự nhiên như trước đây tôi đã thiết kế, thì sẽ thiết kế thêm những trang phục đời thường, trang phục trẻ em bằng chất liệu tơ, sợi tự nhiên. Bạn thấy đó, cây cối quanh ta đều có những tơ, sợi, như cây chuối, tre, lanh… tại sao ta không sử dụng những tơ, sợi tự nhiên đó dệt nên áo quần để mặc? Thiên nhiên hào phóng đã ban tặng đầy đủ mọi thứ cho ta rồi. Và khi áo quần hữu cơ đó quá cũ, thải bỏ, có thể trở về với Mẹ Đất, chuyển hóa thành đất đai, tăng dinh dưỡng cho đất đai.
Ý chị là sẽ phát triển xu hướng mặc áo quần từ tơ sợi tự nhiên, không dùng những chất liệu nhân tạo nữa? Chị sẽ bảo vệ ý tưởng này thế nào, nếu như có ý kiến rằng chị làm thế là kéo lùi lịch sử phát triển may mặc?
Trí tuệ con người là vượt trội, luôn sáng tạo và có nhu cầu cống hiến. Chúng ta hoàn toàn có khả năng sống hiện đại, tiện nghi, dùng những sản phẩm hiện đại, hợp mốt, nhưng quá trình sản xuất, sử dụng và thải bỏ vẫn phải có lợi cho Thiên nhiên. Mẹ Đất có linh hồn, cây cối có linh hồn, muôn loài có linh hồn. Covid-19 là cú đáp trả mạnh mẽ của muôn loài với con người, để con người tỉnh thức, xem mình đã làm gì, ứng xử thế nào với muôn loài khác, với Mẹ Đất, tựu chung lại là với Thiên nhiên quanh ta. Một ngọn cỏ mềm, một đóa hoa, hay virus Corona đều có câu chuyện của nó, có lý do cho nó tồn tại trên trái đất này và thực hiện sứ mệnh của mình. Dù sứ mệnh của Covid-19 là cảnh tỉnh con người, hay diệt trừ bớt con người, thì chúng ta cũng cần đón nhận, thương lượng trong hòa bình, trong tình yêu thương. Bản thân tôi, cũng nhờ Covid-19 mà thoát khỏi vòng xoáy quá nhanh của công việc thường ngày, để tĩnh tâm nghiên cứu, xác định lại chiến lược cho bản thân, xem mình cần làm gì cho thế giới này. Tôi thấy con virus này rất có ý nghĩa và tôi phải cảm ơn nó.
Ồ, thật lạ và rất ấn tượng. Lần đầu tiên tôi thấy có người muốn cảm ơn virus Corona đấy.
Có thể thấy, theo cách nhìn của tôi, thì virus Corona là một nữ hoàng quyền năng phi thường, không cần hiện hình, không cần tuyên bố, nhưng lẳng lặng buộc cả loài người phải thay đổi, phải thức tỉnh nhân tâm, sống nhân văn hơn, cẩn trọng hơn với chính mình và mọi người quanh mình, với thế giới, với Mẹ Đất. Bạn thấy không, những ngày qua, tầng ô zôn đã tự vá lành, không khí trong sạch, nhiều dưỡng khí hơn, trong mỗi gia đình, vợ chồng, cha mẹ con cái gần gũi, quan tâm nhau, cộng đồng cùng giang tay chia sẻ tình cảm, vật chất, giúp nhau vượt qua khó khăn, những giá trị tốt đẹp vốn có trong trái tim mỗi người được khơi dậy…
Xin cảm ơn chị về những chia sẻ thú vị này.
“Đất là tâm, chính vì vậy xưa nay dân ta có từ “tâm địa”. Giống như trái tim, đất bơm nguồn sống cho muôn loài. Vì thế, Đất là Mẹ của muôn loài. Mẹ Đất là nơi sinh ra ta, và cũng là nơi ta trở về. Phụng dưỡng Mẹ, tri ân Mẹ Đất là giá trị cao nhất của con người.” – NKT áo dài Lan Hương.
Bài đã được đăng trên Tạp chí số Tháng 4/2020, xem bản đầy đủ tại đây:
Kiều Hậu
(Thực hiện)