Tổng giám đốc Tiên Hưng Phạm Tuấn Anh – “Còn hơn cả một mái ấm”
Đang ở lứa tuổi vàng của một người đàn ông, dường như khó khăn đã thành người bạn thân của anh Phạm Tuấn Anh – Tổng Giám đốc Công ty CP Tiên Hưng (Tiên Hưng). Anh cùng đội ngũ gần 3.000 người lao động Tiên Hưng dường như luôn thường trực đón nhận những thách thức đang và sẽ đến, bởi họ tin rằng, cùng làm việc tại Tiên Hưng thì nhất định sau đó sẽ có chiến thắng mỉm cười.
Chúng ta cùng trò chuyện với vị Tổng Giám đốc Tiên Hưng, để hiểu được động lực nào thúc đẩy anh cùng đội ngũ của mình vượt qua chuỗi khó khăn liên tục, để có kết quả SXKD của năm 2020 thắng lợi như chưa từng có làn sóng đại dịch Covid-19 lướt qua.
Thưa anh, chỉ sau hơn một năm, chúng tôi trở lại thăm Tiên Hưng, và thấy quang cảnh, không gian tại đây đã thay đổi rất nhiều, với quảng trường thoáng đãng, cây xanh, vườn hoa hồng rực rỡ, khu thư giãn cho người lao động (NLĐ) thưởng ngoạn quang cảnh và cà phê miễn phí,… Anh có thể cho biết mục đích của những đổi thay này?
NLĐ chúng tôi cần được sống hạnh phúc tại đây – ngôi nhà thứ hai của cộng đồng Tiên Hưng, và hơn cả một mái ấm. Lúc này, cho dù đại dịch vẫn đang đe dọa, ngày càng nguy hiểm khó lường hơn, đội ngũ Tiên Hưng bên cạnh việc cảnh giác phòng ngừa, thì vẫn cần sống, làm việc hết mình, phát triển và sáng tạo. NLĐ được luân phiên thư giãn tại không gian cà phê, được nghỉ ngơi bên vườn hồng, chụp ảnh chung vui, thậm chí là chụp ảnh cưới tại quảng trường, khuôn viên của công ty. Bên trong nhà máy được sắp xếp lại cho phù hợp nhất và mang tính thẩm mỹ, khiến tinh thần NLĐ trong lúc làm việc cũng được thoải mái. Chúng tôi nhìn nhận hiệu quả của mình không chỉ bằng năng suất hay kết quả SXKD, mà ở niềm hạnh phúc của NLĐ khi làm việc, ở sự tự hào của họ khi nói về công ty mà mình gắn bó, ở sự yên tâm khi thấy mình thuộc về nơi này.
Anh có thể cho biết những con số cụ thể về tăng trưởng trong năm 2020 của Tiên Hưng?
Về cơ sở vật chất, Tiên Hưng đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng một nhà xưởng 3 tầng có diện tích 24.000m2 với trang thiết bị hiện đại, hệ thống điều hòa được lắp đặt để NLĐ được làm việc trong môi trường tốt nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi đầu tư nhà ăn, không gian thư giãn với cây xanh, hoa như đã đề cập ở trên để môi trường đẹp như công viên, nơi làm việc và kho tàng gọn sạch hơn cả khách sạn 3 sao, nhà vệ sinh tiêu chuẩn như ở sân bay. Tổng số đầu tư cho cơ sở vật chất lên tới 170 tỷ đồng trong năm 2020. Về kết quả hoạt động SXKD, tổng doanh thu đạt 20 triệu USD, số lượng NLĐ cũng đã lên tới con số 2.800 người (3 năm trước chỉ có 2.100 người). Mức lương đạt 11 triệu đồng/người/tháng. Ngày tết NLĐ được thưởng 2 tháng lương. Trong đại dịch, chúng tôi không những không bị ngừng việc, mà còn mở rộng mặt hàng, có nhiều khách hàng hơn. Do có nhiều khách hàng nên Tiên Hưng thuyết phục được khách với giá gia công cao hơn.
Điều gì khiến nhiều khách hàng chọn đến với Tiên Hưng ngay cả trong thời đại dịch?
Điều mà nhóm cán bộ chủ chốt của Tiên Hưng nằm lòng, đó là quan điểm “Công nhân là vàng, khách hàng là thượng đế”. Với NLĐ, không chỉ chăm sóc bằng mức lương cao và các chế độ đầy đủ, mà còn ở sự tôn trọng họ, cho họ phát triển bản thân, và khiến họ có quyền tự hào về công ty. 100% NLĐ Tiên Hưng lấy làm hãnh diện khi được làm việc trong mái ấm này. Còn với khách hàng, chúng tôi luôn chung thủy, nghĩa là khi họ đang khó khăn thì chúng tôi không quay lưng với họ, mà chung lưng đấu cật, để hai bên cùng có lợi, cùng giải quyết được mọi khúc mắc trong lúc làm việc. Không vì có khách mới chào giá cao mà thoái thác hàng của khách cũ. Sự hợp tác giữa mình với khách hàng luôn chặt chẽ, cam kết cao. Nhờ sự tín nhiệm đó, mà khi có khó khăn, thì hợp đồng đầu tiên khách hàng sẽ dành cho mình. Nhờ thế mà năm 2020 chúng tôi vẫn đạt hiệu quả cứ như là không có dịch Covid-19 vậy.
Có lẽ bí quyết là ở sự chung tình?
Vâng, dùng từ CHUNG TÌNH là chính xác. Chúng tôi đang phát triển được như hôm nay, là nhờ ngay từ đầu đã xác định với đối tác, khách hàng cần lấy tình cảm keo sơn mà xử thế. Khách hàng cũng đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Tôi nhớ, trong lúc hàng rất khó, mà họ vẫn tìm cách giao đơn cho chúng tôi, tình cảm ấy không bao giờ chúng tôi quên được. Cho nên có lúc khách bị đuối sức, thì chúng tôi cũng sẵn sàng ghé vai gánh giúp họ, chấp nhận thiệt thòi về mình. Có những khách cần hàng quá gấp, chúng tôi quyết liệt cho hàng đi máy bay để đáp ứng kịp thời gian. Tất cả những điều chúng tôi vì nhau ấy, còn giá trị hơn cả tiền bạc hay lợi nhuận. Nó làm nên ý nghĩa sâu xa của kinh doanh, đó là hạnh phúc được phục vụ, được sống vì nhau, chung vai gánh vác, chia sẻ.
Anh có kỳ vọng gì về đơn hàng của Tiên Hưng trong năm 2021?
Sẽ rất nhiều đơn hàng. Cho tới cuối tháng 3, chúng tôi đã có đủ hàng làm cho đến hết tháng 10. Dựa trên suy đoán, rằng người Mỹ không thể đóng cửa mãi, vaccine được sử dụng rộng rãi, những mặt hàng trẻ em các lứa tuổi sẽ nóng lên, do trẻ em tiếp tục lớn, mà chúng tôi xoay chuyển để sẵn sàng đáp ứng những mặt hàng trẻ con, hàng mặc nhà, hàng thiết yếu…
Dù đang ở tuổi sung sức, nhưng với việc bám nhà máy, công việc, giao dịch khách hàng,… mỗi ngày anh làm việc tới hơn 12 tiếng đồng hồ. Vậy anh có cách gì để đảm bảo sức khỏe mà cống hiến lâu dài?
Quả thực, có những ngày chuyển máy, hoặc nhiều khách hàng, tôi chỉ kịp ăn một bắp ngô rồi chạy việc tới khuya. Cũng có thể do mình trường lực, mỗi ngày chạy bộ từ 3km – 6km đều đặn, bất kể nắng mưa. Và cố gắng đảm bảo mỗi ngày ngủ đủ 5 tiếng đồng hồ. Mỗi khi mệt quá, tôi cũng chỉ cần nằm nghỉ chừng 10 phút, đỡ ải người là trở dậy làm việc tiếp. Tôi nghĩ, mình say việc, yêu công việc nên dù có làm nhiều cũng không thấy chán, làm quên mình nên khi việc quật mà ốm thì cũng không sao. Quan trọng là tinh thần mình thực sự thoải mái khi được làm việc, được thách thức giới hạn của chính mình bằng những việc cực khó.
Hồi tưởng lại quá khứ một chút, trước đây, anh đã tới Tiên Hưng như thế nào?
Năm 1994, khi ấy tôi 24 tuổi, được tuyển dụng vào làm ở May Hưng Yên. Sau 4 năm, khi tôi 28 tuổi đã trở thành Phó Giám đốc Xí nghiệp May 3 với 500 công nhân. Tôi cũng láu táu thích nhận việc, không chê việc gì nên được vị Sếp lúc bấy giờ ở May Hưng Yên là bà Lương Thị Hữu tín nhiệm, quý mến. Năm 32 tuổi, tôi được giao vị trí Giám đốc Xí nghiệp May 7. Và năm 2007 khi vừa tròn 37 tuổi, tôi được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tiên Hưng. 10 năm sau, tôi đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Tiên Hưng khi 47 tuổi. Tôi yêu mái ấm Tiên Hưng, và như mọi NLĐ khác, hãnh diện được thuộc về nơi này.
Anh có cảm thấy căng thẳng khi trong đại dịch này, anh tiếp tục được giao vực dậy thêm một đơn vị may đang suy yếu?
Có vị lãnh đạo động viên tôi rằng: “Anh nào giỏi thì phải “ôm” thêm nhà máy yếu kém, không để doanh nghiệp nào bị lùi lại phía sau. Tôi nói 1 mà anh đã lập tức làm hơn 1 rồi.” Được lãnh đạo tạm ứng lời khen như thế, tôi hào hứng lao vào công việc, với sự đồng sức đồng lòng của anh chị em Tiên Hưng, và không quá nghĩ ngợi rằng có căng thẳng hay quá sức không.
Xin cảm ơn anh!