Ủy ban Môi trường của VITAS tổ chức cuộc họp thường kỳ
Sáng 7/5 tại Hà Nội, Ủy ban Môi trường của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã tổ chức cuộc họp thường kỳ, với nhiều chuyên gia đến từ Bộ Công Thương, Tổng cục Môi trường. Tại buổi họp, các chuyên gia đã chia sẻ những kế hoạch trong việc xanh hóa ngành Dệt May tầm nhìn 2019 – 2029, những vướng mắc đang gặp phải, cũng như định hướng của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với ngành Dệt May trong việc bảo vệ môi trường.
Tới dự cuộc họp có ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch VITAS, ông Hoàng Văn Tâm – Phó CVP Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), bà Lê Thị Minh Ánh – Vụ Chính sách Pháp chế (Tổng cục Môi trường), bà Lê Thị Thu Anh – Viện Khoa học Môi trường (Tổng cục Môi trường), cùng nhiều DN dệt may đến từ trong nước và quốc tế.
Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch VITAS tóm tắt hoạt động của Ủy ban Môi trường từ khi thành lập
Phát biểu chào mừng, tóm tắt những hoạt động của Ủy ban Môi trường trong thời gian qua, ông Trương Văn Cẩm cho biết: Được thành lập vào năm 2017 với nhiều thành viên chủ chốt là các doanh nghiệp hội viên, từ khi được thành lập Ủy ban Môi trường của VITAS đã và đang hướng tới trở thành tiếng nói của các doanh nghiệp dệt may đối với cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường, bên cạnh đó học hỏi thêm từ các tổ chức quốc tế để chia sẻ những kinh nghiệm trong việc bảo vệ môi trường, cũng như thay đổi nhận thức về ngành Dệt – Nhuộm.
Trong thời quan qua, Ủy ban đã thực hiện được nhiều chương trình đáng chú ý, bao gồm: Họp bàn kế hoạch hành động xây dựng chương trình “Thương hiệu Dệt May Việt Nam” phát triển bền vững trong năm 2017; Hội thảo “Xây dựng Thương hiệu – Môi trường dệt may bền vững thông qua các giải pháp tiết kiệm năng lượng; Hội thảo “Áp dụng chỉ số HIGG trong xây dựng thương hiệu bền vững cho ngành Dệt May Việt Nam”; Ký kết Biên bản ghi nhớ với WWF, xây dựng chương trình hành động “Xanh hóa ngành Dệt May Việt Nam”…
Ông Hoàng Văn Tâm – Phó CVP Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững chia sẻ về quan điểm của Bộ Công Thương
Tại cuộc họp, đại biểu đã được lắng nghe ông Hoàng Văn Tâm chia sẻ về quan điểm – định hướng phát triển bền vững của Bộ Công Thương thông qua các chương trình hành động trong thời gian tới, đáng chú ý đó là chương trình “Định giá carbon” (các công ty trả một khoản tiền tương ứng với lượng carbon dioxide (CO2) mà họ thải ra môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh), giúp các DN, trong đó có các DN dệt may hạn chế khả năng thải CO2 ra môi trường.
Bà Lê Thị Minh Ánh – Vụ Chính sách Pháp chế
Bên cạnh đó, cuộc họp của Ủy ban cũng được nghe bà Lê Thị Minh Ánh chia sẻ về tình hình thực thi pháp luật bảo vệ môi trường trong ngành dệt may qua đánh giá của Tổng cục Môi trường. Bà Ánh nhấn mạnh, trong những năm qua các DN dệt may đã và đang đầu tư, chú trọng trong việc phát triển bền vững, trong đó có việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên hiện nay những Bộ luật BVMT, gần đây nhất là năm 2014 đã có những điều khoản chưa phù hợp và cần phải sửa đổi để phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Ông James Phillip – Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn TAL
Trước những nỗ lực của cộng đồng các DN dệt may trong việc “xanh hóa” ngành, ông James Phillip – Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn TAL đã chia sẻ những kể hoạch, hành động của Tập đoàn, từ đó rút ra được bài học kinh nghiệm cho các DN dệt may trong việc hành động để đạt được ngưỡng chỉ số Higg FEM.
Cuối cuộc họp, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường và các DN dệt may đã có những chia sẻ cởi mở hơn để thấu hiểu và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhau, để giải quyết tình trạng “nút thắt cổ chai” trong ngành Dệt – Nhuộm. Từ đó tạo tiền đề cho ngành Dệt May Việt Nam phát triển, nhất là các Hiệp định thương mại tự do đã và đang có hiệu lực trong thời gian tới.
Quang Nam