Vì sao dệt may chưa tận dụng được các ưu đãi từ CPTPP?
Ngày 30/8/2019 tại Hà Nội, Diễn đàn “Thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam khi thực hiện Hiệp định CPTPP trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung” đã được tổ chức với sự có mặt của đại diện các Cục, Vụ của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, các chuyên gia kinh tế và đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS).
Đây là một sự kiện trong Chuỗi các Diễn đàn truyền thông phổ biến các Hiệp định thương mại tự do FTAs mà Việt Nam tham gia do VCCI và Bộ Công Thương đồng chủ trì. Các diễn đàn được tổ chức nhằm giúp doanh nghiệp vận dụng và phát huy có hiệu quả các ưu đãi của Hiệp định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế tối thiểu các thách thức của Hiệp định.
Việc tổ chức các diễn đàn kết hợp truyền thông đa phương tiện (online trực tuyến, truyền hình, báo chí, trang tin điện tử và tương tác trên mạng xã hội…) trước, trong và sau sự kiện sẽ tạo hiệu ứng truyền thông tích cực hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và công chúng nắm được nội dung cam kết của các Hiệp định thương mại tự do FTA đồng thời doanh nghiệp được theo dõi và tương tác với diễn giả và BTC để giải đáp và tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp.
Ông Đoàn Duy Khương – Phó Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc
Đây là chuỗi sự kiện tuyên truyền phổ biến tập trung vào các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam vừa tham gia, gồm Hiệp định CPTPP và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Chuỗi sự kiện này có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và cộng đồng về những cam kết cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội mở rộng thị trường tại các nước đối tác của các FTAs này. Chương trình dự kiến sẽ được thực hiện theo cách làm mới, có tính liên tục và thời sự cao nhằm tạo ra một kênh kết nối, đồng hành giữa Chính phủ và doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi các FTAs này.
Ông Lê Tiến Trường (thứ 2 từ trái sang) chia sẻ cùng các diễn giả về những khó khăn, thử thách của các DN dệt may trong việc đáp ứng các yêu cầu, QTXX của CPTPP
Góp mặt với tư cách khách mời, ông Lê Tiến Trường – Phó Chủ tịch VITAS, TGĐ Vinatex đã có những chia sẻ về những khó khăn, thử thách của các DN dệt may trong việc thực hiện, đáp ứng các quy tắc xuất xứ từ CPTPP để được hưởng ưu đãi về thuế quan, trong bối cảnh Hiệp định đã có hiệu lực từ tháng 1/2019. Theo ông Lê Tiến Trường, hiện mặt hàng dệt may chưa tận dụng được các cơ hội của CPTPP nếu so sánh với các mặt hàng như nông sản, bởi lẽ mỗi mặt hàng đều có những quy tắc xuất xứ khác nhau. Với mặt hàng nông sản, quy tắc xuất xứ có vẻ như “dễ thở” hơn đối với mặt hàng dệt may khi dễ dàng chứng minh về QTXX, trong khi mặt hàng dệt may lại yêu cầu từ Sợi trở đi. Bên cạnh đó, hiện việc cấp chứng chỉ C/O của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc vào các cơ quan hữu quan, trong khi các nước họ đã cho phép các DN tự chứng nhận QTXX. “Tôi cho rằng, quy trình xác định QTXX của Việt Nam hiện nay vẫn còn bất cập.” Ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, khách mời và đại diện các DN cũng đã được lắng nghe những chia sẻ của các diễn giả, chuyên gia kinh tế về tình hình thực thi các Hiệp định FTAs tại Việt Nam, những vướng mắc các DN đang gặp phải, cũng như chia sẻ của đại diện các DN về những khó khăn trong quá trình thực hiện.
Quang Nam