Vitas tham gia đóng góp ý kiến Dự thảo Bộ luật Lao động
Chiều 14/10, tại Hà Nội, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đã tham dự Hội nghị người sử dụng lao động Quốc gia năm 2019, đóng góp ý kiến dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Tại Hội nghị, có những vấn đề trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) được các đại biểu đề cấp đến, có thể gây ra những bất lợi cho DN. Theo đó, các vấn đề về tiền lương, thời giờ làm thêm và cách tính lương làm thêm giờ, thời giờ làm việc bình thường, hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, đình công, tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở, lao động nước ngoài, lao động nữ, lao động trẻ em… đã được các chuyên gia mổ xẻ, phân tích, cũng như đưa ra nhận định về những tác động tới các DN trong ngành.
Với gần 3 triệu lao động, và gần 6000 DN, ngành Dệt May Việt Nam hiện là một trong những ngành đứng thứ 3 của cả nước về tỷ trọng xuất khẩu, cũng như thâm dụng lao động. Nếu như Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ có tác động không nhỏ tới tình hình SX-KD của các DN, ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình xuất khẩu của ngành.
Tại Hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch VCCI cho biết, người lao động cũng muốn tăng giờ làm thêm và sẵn sàng làm thêm. Nhưng nếu theo quy định tại Dự thảo luật như hiện nay thì, doanh nghiệp Việt sẽ đối mặt vi phạm quy định dẫn đến các đối tác huỷ hợp đồng. Vì vậy, tư duy làm Luật phải đảm bảo tôn trọng quyền có việc làm và làm thêm của người lao động, tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, tôn trọng sự thoả thuận tự nguyện của lao động và người sử dụng lao động trong thị trường lao động.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VITAS cho biết, Bộ luật Lao động ban hành là để phục vụ doanh nghiệp nhưng hiện các nội dung đưa và trong Luật rất cứng nhắc không để doanh nghiệp tự thỏa thuận theo cơ chế thị trường. Việc xây dựng luật cần phải có sự thay đổi và lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, những nhà nghiên cứu độc lập.
Tại Hội nghị, đã có rất nhiều những băn khoăn của các DN được đưa ra về những quy định mới trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trả lời những câu hỏi này, Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: “Quan điểm cá nhân của tôi là ủng hộ làm thêm 100 giờ cho 5 ngành. Một đất nước mà năng suất lao động chưa cao, tiền lương tăng nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động thì câu chuyện này phải tính toán. Lần sửa đổi này cũng đặt ra vấn đề phải tạo ra một bộ luật thúc đẩy tăng năng suất lao động”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, người đã từng có nhiều năm tham gia bàn thảo sửa đổi Bộ luật Lao động cho rằng: “Nếu không tăng giờ làm thêm thì phải phân tích rõ chỗ này để các đại biểu thấy. Riêng tôi ủng hộ phương án tăng thêm 100 giờ nhưng cũng chỉ trong một số ngành nghề. Nhất là không tăng tiền lương lũy tiến nữa, vì quy định hiện nay so với khu vực đã quá cao, nếu tiếp tục sẽ bó chân doanh nghiệp”.